"Tương lai bóng đá Việt Nam không vì một vụ tiêu cực mà ảnh hưởng"

Từ tấm gương hậu SEA Games 23, ông Tuấn khẳng định việc xử lý mạnh các vụ tiêu cực không gây ảnh hưởng tới tương lai của bóng đá Việt Nam nói chung và sức mạnh của đội tuyển quốc gia nói riêng.
"Tương lai bóng đá Việt Nam không vì một vụ tiêu cực mà ảnh hưởng" ảnh 1Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn khẳng định AFC và FIFA ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong việc ngăn chặn tiêu cực. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Chia sẻ với Vietnam+, Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF Trần Quốc Tuấn đã có những chia sẻ về cuộc chiến chống tiêu cực, sự ủng hộ của AFC, giải pháp và tương lai của bóng đá nước nhà.

Tiêu cực trong bóng đá xuất phát từ thị trường cá cược

Tiêu cực trong bóng đá liên tục và luôn luôn xoay xung quanh một nguyên nhân. Đó là thị trường cá cược trên thế giới rất phát triển. Trong cuộc hội thảo tại Qatar với sự có mặt của Interpol, vấn nạn cá cược đã làm rất nhiều nước phải hết sức đau đầu, trong đó có cả những nền bóng đá phát triển mạnh như Anh, Italia, Tây Ban Nha, thậm chí cả Đức. Một số trận đấu của Nhật cũng bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề mà người ta hết sức quan tâm và phải tìm cách ngăn chặn. VFF cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Bên cạnh việc thị trường cá độ bóng đá bên ngoài phát triển, vấn đề cơ bản nhất thuộc về những người trực tiếp tham gia vào cuộc chơi, các vận động viên, cầu thủ. Công tác quản lý tại các câu lạc bộ cũng cần được coi trọng. Như thế, chúng ta mới có hy vọng ngăn chặn những sự việc tương tự trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng.

AFC và FIFA ủng hộ VFF chống tiêu cực

Chúng tôi đã báo cáo lên AFC và hy vọng nhận được sự ủng hộ quyết liệt của AFC trong việc chống tiêu cực ở các giải vô địch quốc gia.

Sau vụ Ninh Bình, VFF cũng đã trực tiếp làm việc với cấp trên của Liên đoàn như AFC, FIFA và đã nhận được sự đồng lòng trong chuyện quyết tâm loại trừ vấn nạn này. Đây không phải cuộc chiến một sớm một chiều mà là cuộc chiến liên tục bởi tiêu cực xuất phát từ nhận thức của những người tham dự.

Vừa rồi, trong buổi làm việc với chủ tịch AFC, ông có nói một câu khiến chúng tôi suy nghĩ là “nói không với tiêu cực”. “Không” ở đây là không với tất cả mọi vi phạm, tiêu cực, đặc biệt là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lừa dối trong thi đấu, phải xử lý nghiêm khắc.

"Tương lai bóng đá Việt Nam không vì một vụ tiêu cực mà ảnh hưởng" ảnh 2Môi trường bóng đá đã khiến những cầu thủ từng được ca ngợi như Văn Quyến "nhúng chàm". (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Yếu tố con người là quan trọng

Tôi nghĩ môi trường bóng đá không xấu. Quan trọng là nhận thức của những người tham gia môi trường này. Có rất nhiều cầu thủ đã thành danh trong môi trường bóng đá bằng cách vượt qua chấn thươngvà khó khăn để cống hiến cho người hâm mộ và trở thành những biểu tượng của bóng đá. Bên cạnh đó, còn một số người do nhận thức bản thân, nghề nghiệp không nghiêm túc mà có những giây phút sa ngã, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Các cầu thủ trong vụ Đồng Nai có điều kiện kinh tế không quá khó khăn. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là nhận thức, sự nghiêm túc, những giây phút không làm chủ được bản thân mà bị những tác động xấu làm ảnh hưởng đến công danh, nghề nghiệp, tương lai.

Vì thế, vấn đề đạo đức nghề nghiệp phải được xoáy sâu để cả những cầu thủ trẻ có thể nhận thức được và có ý thức đúng đắn trong nghề nghiệp của mình.

Giải pháp chống tiêu cực là gì?

Tôi nghĩ đây là một quá trình hết sức lâu dài, một bài toán hết sức khó khăn. Trong thời gian qua, các câu lạc bộ đã có nhiều nỗ lực trong đào tạo lực lượng trẻ. Tuy nhiên, việc giáo dục, đào tạo về chuyên môn cần phải được xem xét lại, cần được đặt đúng mức. Một cầu thủ tài năng, nếu không có đạo đức, sẽ có nhưng giây phút đánh mất hết công lao, mồ hôi, tập luyện, danh tiếng, sẽ bị xóa bỏ nếu tham gia vào "vòng xoáy" cá cược.

Tôi nghĩ vấn đề này cần sự tham gia của rất nhiều đối tượng, trong đó có báo chí, giúp phát hiện, tuyên truyền, giáo dục các em. Với sự tăng cường quản lý từ cấp câu lạc bộ, các em sẽ có cái nhìn đúng đắn. Bài học của những người đã vi phạm sẽ được các em nhìn thấu đáo, sẽ trở thành bài học kinh nghiệm của những cầu thủ trẻ. Như vậy, bóng đá chúng ta mới có hy vọng trong thời gian tới. Nhận thức của các cầu thủ cũng sẽ thay đổi.

Chúng ta đã trải qua nhiều sự cố. Mỗi sự cố ấy là kinh nghiệm vô giá với các cầu thủ đang thi đấu và cả các cầu thủ trẻ. Việc này không nên bị coi nhẹ mà luôn luôn cần được đặt lên thành nhiệm vụ hàng đầu.

VFF cũng cần củng cố hệ thống tổ chức giải để hạn chế dàn xếp tỷ số. Thứ nhất, chúng ta phải có những hệ thống cảnh báo để ngăn tất cả các trường hợp này trước khi nó diễn ra. Thứ hai, hệ thống văn bản quy phạm xử lý cũng phải nghiêm khắc hơn nữa.

"Tương lai bóng đá Việt Nam không vì một vụ tiêu cực mà ảnh hưởng" ảnh 3Trong quá khứ, tuyển quốc gia từng thu được thành công lớn chỉ một thời gian ngắn sau tiêu cực. Đó là lý do để ông Tuấn đặt niềm tin. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Không lo ngại cho tương lai bóng đá Việt

Kinh nghiệm của năm 2005 cho thấy, khi chúng ta xử lý bảy cầu thủ của tuyển U23 nhưng chỉ sau hai năm, đội tuyển đã đạt thành tích vào tốp một trong tám đội mạnh nhất châu Á ở Asian Cup 2007. Sau đó một năm, chúng ta đoạt tiếp chức vô địch AFF Suzuki Cup. Điều này thể hiện sự hiệu quả của việc chống tiêu cực đối với hoạt động bóng đá ở Việt Nam.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục