Tương lai hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sau Brexit

Nghị sỹ Liam Fox, Bộ Trưởng Bộ Thương mại Quốc tế và Chủ tịch Ủy ban Thương mại Anh Quốc, đã có bài viết về Brexit cũng như tương lai hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Tương lai hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sau Brexit ảnh 1Bộ Trưởng Bộ Thương mại Quốc tế và Chủ tịch Ủy ban Thương mại Anh Quốc, nghị sỹ Liam Fox. (Nguồn: Getty Images)

Nhân chuyến thăm Việt Nam sắp tới, nghị sỹ Liam Fox, Bộ Trưởng Bộ Thương mại Quốc tế và Chủ tịch Ủy ban Thương mại Anh Quốc, đã có bài viết về Brexit cũng như tương lai hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

VietnamPlus xin giới thiệu bài viết này.

Một số người đã bày tỏ quan ngại rằng nước Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu vào ngày 23/6/2016 là thiển cận; rằng, là một quốc gia, nước Anh đã chọn từ bỏ vị trí của mình trên thế giới và quay lưng lại với các mối quan hệ toàn cầu cũng như các cam kết của mình.

Điều này hoàn toàn khác xa so với thực tế và trong chuyến công du lần này đến khu vực Đông Nam Á tôi có nhiệm vụ truyền tải thông điệp này.

Tham vọng của chính phủ Anh là đưa nước Anh trở thành trọng tâm của mọi thảo luận về tự do thương mại toàn cầu; và là đối tác thương mại đương nhiên của thế giới.

Việc thành lập Bộ Thương mại Quốc tế ngay sau cuộc trưng cầu dân ý là một tín hiệu rõ ràng rằng Vương quốc Anh muốn gắn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết với các đối tác trên toàn thế giới.

Chúng tôi mong muốn tạo ra một nước Anh hướng tới toàn cầu (Global Britain), và như Thủ tướng Anh đã nói, điều này có nghĩa là trong khi nước Anh vẫn là bạn, là láng giềng tốt nhất của các đối tác châu Âu, chúng tôi cũng sẽ vươn ra khỏi biên giới châu Âu và hòa nhập với thế giới để thiết lập các mối quan hệ với những người bạn cũ cũng như những liên minh mới.

Là Bộ Trưởng Bộ Thương mại Quốc tế, tôi sẽ tiếp tục có những cuộc gặp gỡ với các đối tác thương mại quan trọng trên toàn cầu để truyền tải thông điệp của chúng tôi rằng nước Anh rất cởi mở trong kinh doanh và chúng tôi muốn phát triển thương mại với tất cả các bạn.

Tháng Một năm nay tôi đã công bố rằng Bộ Thương mại Quốc tế Anh đã xác định được hơn 50 nước mà chúng tôi nhận thấy có thể kết nối giữa nhu cầu của các nước này với kinh nghiệm và năng lực của nước Anh. Đây là một phần của chiến lược mới của chúng tôi nhằm thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu.

Với các nền kinh tế tăng trưởng nhanh và năng động, có mức tăng trưởng trung bình liên tục 5%/năm và tổng GDP của khu vực Đông Nam Á là 2.500 tỷ USD - và với cam kết kết nối toàn cầu, chuyến công du của tôi đến Đông Nam Á lần này sẽ là cơ hội để tôi tận mắt thấy và tìm hiểu các tiềm năng lớn nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ của Anh với khu vực quan trọng này.

Trong chuyến công du này tôi sẽ đến thăm hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Là một quốc gia với nhiều cơ hội, tổng GDP trên một đầu người của Việt Nam đã tăng 350% kể từ năm 1991 và Việt Nam hiện có giai cấp trung lưu tăng nhanh nhất trong khu vực. Việt Nam rất quan tâm đến các ngành dịch vụ tài chính, giáo dục và đào tạo cũng như hạ tầng cơ sở đẳng cấp quốc tế của Anh, vì vậy thực sự có rất nhiều cơ hội cho Anh và Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai bên.

Năng lực và kinh nghiệm của Anh trong ngành thiết kế xây dựng đang được áp dụng trong dự án tòa tháp Landmark 81 tại Thành phố Hồ Chí Minh, một dự án mà sau khi hoàn thành sẽ là tòa tháp cao nhất Việt Nam.

Các chuyên gia Anh cũng đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam trong chương trình cải cách toàn diện hệ thống sách giáo khoa và hệ thống giảng dạy ngoại ngữ.

Đây là những lĩnh vực trọng tâm mà chúng tôi đã và đang hợp tác với Việt Nam và trong chuyến công du lần này của mình, tôi sẽ tìm hiểu thêm làm thế nào để chúng ta có thể tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực này cũng như khám phá thêm các cơ hội hợp tác khác giữa hai nước.

Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay còn nhiều thách thức nhưng những thách thức đó không phải là không vượt qua được. Tăng trưởng thương mại toàn cầu hiện đang chậm lại, hơn bao giờ hết, nước Anh và các đồng minh thương mại tự do cần phải sát cánh bên nhau và cùng nhau hướng tới một nền thương mại tự do.

Trên hết, lợi ích là rõ ràng và xét về góc độ thịnh vượng thì thương mại đã giúp giảm nghèo cho hàng triệu người, đồng thời giúp giảm giá cả và nâng cao chuẩn mực sống trên toàn thế giới.

Việc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu là cơ hội có một không hai để tạo ra một quốc gia cởi mở hơn, năng động hơn, hướng tới tự do thương mại hơn và tăng cường hơn các mối quan hệ thương mại trên toàn thế giới.

Bên cạnh những cơ hội để có thể hợp tác sâu rộng hơn trong hai lĩnh vực hạ tầng cơ sở và giáo dục đào tạo, còn có nhiều cơ hội quan trọng cho hợp tác trong các lĩnh vực khác như quốc phòng, y tế, hàng hải và công nghệ tài chính.

Ví dụ như Ngân hàng Phát triển châu Á đã dự báo là các nước trong khu vực này cần chi ít nhất 60 tỷ USD mỗi năm cho phát triển đường, cầu, đường sắt và sân bay.

Trong ngành hàng không, nhu cầu đi lại trên toàn cầu tăng đã dẫn đến cần phải có nhiều máy bay mới để để phục vụ các đường bay hiện tại và các đường bay mới.

Trong năm 2016, ngành công nghệ Anh, trong đó có động cơ máy bay, đã nhận đơn đặt hàng trị giá hơn 3 tỷ bảng Anh từ các hãng hàng không trong khu vực Đông Nam Á.

Năng lực và kinh nghiệm của Anh trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng đã và đang giúp đáp ứng được nhu cầu phát triển hạ tầng cơ sở của khu vực Đông Nam Á và tôi mong muốn khám phá thêm cơ hội để các doanh nghiệp Anh có thể giúp các nước trong khu vực đạt được những tham vọng của mình.

Về lĩnh vực giáo dục, trong năm 2016 các công ty giáo dục Anh Quốc đã đầu tư hơn 200 triệu bảng Anh vào việc mở rộng hoạt động trong khu vực. Nếu như trong những ngày đầu của năm 2000, trường Đại học Nottingham là trường đầu tiên của Anh có cơ sở ở nước ngoài thì ngày nay chỉ riêng ở Malaysia chúng tôi đã có gần 20 trường đại học của Anh đang có chương trình đạo tạo ở nước này.

Chuyến công du của tôi đến khu vực Đông Nam Á lần này là một phần quan trọng trong kế hoạch hướng ngoại của Chính phủ Anh trong thương mại và đầu tư và tôi mong muốn có những cuộc gặp với các chính phủ và doanh nghiệp của các nước này để thảo luận phương thức hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Anh Quốc và các nước trong khu vực nhằm cùng nhau vượt qua những trở ngại trong thương mại và đảm bảo rằng việc toàn cầu hóa sẽ là động lực để phát triển thịnh vượng và bền vững.

Khi nước Anh trong giai đoạn này nổi lên là một quốc gia hướng ngoại hơn, thống nhất hơn, mạnh mẽ và công bằng hơn, tôi hy vọng rằng điều này sẽ tạo ra các mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Anh Quốc với các đối tác thương mại của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á, tạo nên một kỷ nguyên với cơ hội hợp tác lớn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục