Vì sao doanh nghiệp đề xuất nới room tín dụng trong tháng cuối năm?

HoREA đề nghị NHNN xem xét nới trần tín dụng thêm 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm từ nay đến trước Tết Quý Mão 2023.
Vì sao doanh nghiệp đề xuất nới room tín dụng trong tháng cuối năm? ảnh 1Nhiều doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần tín dụng thêm 1%. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Chỉ còn một tháng nữa bước qua năm 2023, room tín dụng cho nền kinh tế sẽ tự động thiết lập hạn mức mới vào đầu năm. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản lại vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần tín dụng thêm 1%, nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15% trong bối cảnh thanh khoản cạn kiệt để hỗ trợ cho nền kinh tế trong tháng 12/2022.

Nhu cầu vốn tăng mạnh trong tháng cao điểm

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường bất động sản bao gồm các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng; trong đó, có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản, do thiếu dòng tiền hoặc có dòng tiền âm. Nếu không khẩn trương có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

“Một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó, có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà từ nay đến Tết Quý Mão. Hầu như mọi hoạt động đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản chỉ còn tập trung trong tháng 12/2022 đến ngày 6/1/2023 (Rằm tháng Chạp) với tổng cộng 36 ngày tới đây,” ông Châu đề xuất.

Phân tích cơ sở cho việc nới room tín dụng trong bối cảnh thị trường hiện nay, đại diện HoREA cho rằng trong 11 tháng năm 2022, chỉ số CPI chỉ tăng 3,02% và khả năng CPI sẽ tăng dưới 4% như mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước đạt 116% kế hoạch cả năm đã cho thấy nền kinh tế nước ta có sức chống chịu khá vững chắc và đang trong quá trình phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Do vậy, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới trần tín dụng thêm 1%, nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.

Đối tượng có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phải là chủ đầu tư, doanh nghiệp, người mua nhà ở các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang.

Nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động, có nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện.

Với nguồn vốn tín dụng bổ sung này, HoREA cho rằng sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, để dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng.

[Nới room tín dụng: Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản?]

Trên thực tế, không chỉ riêng các doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới thêm 1-2% room tín dụng cho năm 2022, do nhiều ngân hàng thương mại thông báo hết room, doanh nghiệp không vay được.

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), không chỉ gói cấp bù lãi suất 2% rất khó tiếp cận, mà các doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay mới ở thời điểm này. Đây là lúc doanh nghiệp rất cần vốn cho mùa sản xuất cuối năm nhưng nhiều ngân hàng đều thông báo hết hạn mức tín dụng.

Ngay cả các khoản vay doanh nghiệp đã được ngân hàng chấp thuận cấp hạn mức và giải ngân theo lộ trình cam kết cũng đang gặp khó. Theo bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mebi Group, công ty này đang phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn phát triển 5 năm tới, do dòng vốn ngân hàng đang bị “tắc.”

Hiện Mebi Group được cấp hạn mức tín dụng ở hai ngân hàng tổng cộng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu trả xong mà không có kế hoạch giải ngân tiếp, sẽ bị dừng luôn không cho vay hoặc đang cần tiền trả cho nhà cung cấp thì ngân hàng thông báo room tín dụng không còn.

Bà Ái băn khoăn không hiểu room tín dụng ở các ngân hàng cấp cho vay thế nào mà các ngân hàng cứ hẹn từ tháng này qua tháng khác đến nay vẫn chưa có; trong khi nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh hiện nay là rất lớn.

Nới room tín dụng có còn ý nghĩa?

Dù được nhiều doanh nghiệp kiến nghị, tuy nhiên đề xuất nới room tín dụng ở thời điểm này vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia tài chính. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nới room tín dụng ở thời điểm này không có nhiều ý nghĩa.

Theo Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính-ngân hàng, việc nới room ở thời điểm này là không cần thiết khi chỉ còn một tháng nữa sẽ bước qua năm mới. Khi đó, room tín dụng sẽ tự động được mở cho năm 2023.

Vì sao doanh nghiệp đề xuất nới room tín dụng trong tháng cuối năm? ảnh 2Theo HoREA, thị trường bất động sản đang rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Mặt khác, việc nới room ở thời điểm này chưa chắc các doanh nghiệp có thể tiếp cận được, vì các thủ tục hành chính liên quan đến việc giải ngân đòi hỏi mất nhiều thời gian hơn, khó có thể thực hiện ngay trong năm 2022. Vấn đề mấu chốt hiện nay là phải tháo gỡ các vướng mắc trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để giảm bớt áp lực thanh khoản lên thị trường.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, trong thời gian qua, có nhiều ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước nới thêm room tín dụng cho năm 2022. Bản thân ông cũng từng cân nhắc nên chăng đề xuất nới thêm 1% tín dụng vào cuối năm, tương đương với việc bổ sung khoảng 100.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, nếu dòng vốn bơm thêm này chảy không đúng chỗ, tiếp tục đổ vào phân khúc “đầu cơ” thì sẽ khiến thị trường càng thêm khó khăn. Còn để dòng vốn chảy vào đúng chỗ hiện nay là rất khó.

Vì thế, ông Lịch nhấn mạnh, giải ngân đầu tư công là giải pháp then chốt ở thời điểm này để thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Nếu kế hoạch giải ngân đầu tư công giai đoạn 2021-2025 diễn ra đúng tiến độ, sẽ là kênh tạo vốn rất mạnh cho thị trường. Còn lại là mỗi doanh nghiệp phải tự có bài toán của mình để có thể tồn tại, vượt qua khó khăn ở thời điểm này.

Đáng chú ý, tại một hội nghị tổ chức đầu tháng 12, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) hé lộ, có thể trong vài ngày tới Ngân hàng Nhà nước sẽ mở room tín dụng thêm cho nền kinh tế. Đây là tín hiệu rất tốt cho nền kinh tế. Qua năm tài chính mới, room tín dụng cho các hoạt động kinh tế sẽ rất rộng mở.

“Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là các ngân hàng có thể cấp tín dụng ra thị trường được không? Đó phải là các ngân hàng đảm bảo tỷ lệ LDR (dư nợ cho vay trên tiền gửi) chưa chạm mức trần 85% mới có thể cung ứng tín dụng cho thị trường,” ông Trần Hùng Huy cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục