Xung đột Ukraine ảnh hưởng đến quan hệ của Nhóm Visegrad như thế nào?

Khi các nhà lãnh đạo Trung Âu thể hiện tình đoàn kết và sự ủng hộ dành cho Ukraine, thì người đứng đầu Chính phủ Hungary, Thủ tướng Viktor Orban, lại đứng hẳn về phía Nga.
Xung đột Ukraine ảnh hưởng đến quan hệ của Nhóm Visegrad như thế nào? ảnh 1Nhóm Visegrad (V4 - gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc). (Nguồn: DW)

Theo báo Lidovky của Cộng hòa Séc, cuộc xung đột tại Ukraine đang làm thay đổi cục diện chính trị thế giới nói chung cũng như ảnh hưởng căn bản đến quan điểm và quan hệ của 4 quốc gia thành viên trong Nhóm Visegrad (V4 - gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc). Thậm chí, ngay cả việc tồn tại trên thực tế của nhóm này cũng đang bị nghi ngờ.

Nguyên nhân của mối nghi ngờ xuất phát từ chuyến thăm Kiev hồi đầu tháng Ba vừa qua của phái đoàn các nhà lãnh đạo Trung Âu gồm Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cùng Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Đảng Luật pháp và Tư pháp Ba Lan Jaroslaw Kaczynski và Thủ tướng Slovenia khi đó là ông Janez Jansa.

Thủ tướng Slovakia Eduard Heger không cùng đi do những khuyến cáo về an ninh từ đội ngũ cố vấn và đã sớm bày tỏ lấy làm tiếc trên truyền thông vì không thể tham gia chuyến thăm này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, khi các nhà lãnh đạo Trung Âu thể hiện tình đoàn kết và sự ủng hộ dành cho Kiev, thì người đứng đầu Chính phủ Hungary, Thủ tướng Viktor Orban, lại đứng hẳn về phía Nga, đến mức ông thậm chí còn bị hầu hết các đồng minh chính trị hoặc những người ủng hộ tại các quốc gia khác lên án.

Chính vì vậy, có thể hình dung cục diện hiện nay của Nhóm Visegrad như sau: Ba Lan và Cộng hòa Séc hỗ trợ tối đa về ngoại giao và viện trợ cụ thể cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp các thiết bị quân sự hạng nặng. Hungary hiện coi mình là đồng minh của Nga, phủ quyết lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với việc nhập khẩu dầu của từ Nga và không muốn các chuyến hàng viện trợ quân sự của phương Tây được trung chuyển qua lãnh thổ Hungary để vào Ukraine.

Trong khi đó, Slovakia mặc dù đã chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không S-300, nghĩa là đã có sự hỗ trợ thực chất cho quân đội Ukraine, tuy nhiên sau đó lại có phần dao động, nhất là sau những lời cảnh báo của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về việc chuyển giao này.

Điều bất ngờ mang tên Katalin Novakova

Nghi ngờ về sự tồn tại thực chất của Nhóm Visegrad càng ngày càng lớn, nhất là với bất ngờ gần đây mang tên Katalin Novakova. Trong bài diễn văn nhậm chức hôm 14/5 vừa qua, tân Tổng thống Hungary Katalin Novakova đã lên án gay gắt việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tịa  Ukraine.

Theo bà, Hungary "vĩnh viễn nói không với các nỗ lực khôi phục Liên Xô," "không trung lập," "đứng về phía các nạn nhân vô tội và công lý" và ủng hộ việc Ukraine gia nhập một "cộng đồng các quốc gia châu Âu."

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị người đứng đầu nhà nước Hungary, Tổng thống Katalin Novakova đã tới thăm Warsaw trong ngày 17/5.

Những tuyên bố trên của bà Novakova chắc chắn đã gây ra không ít ngạc nhiên đối với dư luận vì bà từng là Phó Chủ tịch của Đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Viktor Orban cho đến năm 2021 và từng giữ chức Bộ trưởng Gia đình trong nội các của Thủ tướng Orban trong giai đoạn 2020-2021.

Hơn nữa, ngôi vị tổng thống của bà do Quốc hội, cũng có nghĩa là do Đảng Fidesz cầm quyền chiếm đa số trong Quốc hội và Orban bầu ra. Tuy nhiên, trên thực tế chức danh tổng thống của Hungary chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng, nghi lễ.

Không loại trừ khả năng những lời tuyên bố nhậm chức chỉ là quan điểm cá nhân của bà Novakova, song đó cũng có thể là động thái điều chỉnh mang tính chiến thuật của Orban như một nỗ lực nhằm loại bỏ những lời chỉ trích nhằm vào ông do có thái độ thân Nga.

Ông Viktor Orban dường như không bị thuyết phục về viễn cảnh chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về Tổng thống Nga Vladimir Putin, do đó Orban đang cố gắng đưa Hungary thoát khỏi sự cô lập do chính mình gây ra.

Thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay và triển vọng của Visegrad

Điểm mấu chốt trong tình thế bất ổn của Visegrad hiện nay chính là nguồn cung cấp nguyên liệu thô, dầu và khí đốt của Nga. Cộng hòa Séc cùng với Ba Lan tạo thành một khối thân Ukraine nổi bật và hai quốc gia này dự kiến được miễn trừ lệnh cấm vận của EU đối với mặt hàng "vàng đen" của Nga cho tới giữa năm 2024.

Lệnh cấm vận dầu mỏ cho đến nay đã bị phủ quyết, tuy nhiên vẫn có những bất bình đẳng trong vấn đề này, thậm chí không chỉ trong phạm vi Nhóm Visegrad, mà còn ở cấp độ EU, bởi suy cho cùng thái độ của Hungary cũng không tệ hơn so với của Đức, tuy nhiên các nhà lãnh đạo tại Brussels đã không trực tiếp động chạm gì đến Đức.

Trong mọi trường hợp, dầu mỏ và khí đốt đã bộc lộ những tình huống khó xử liên quan đến cuộc chiến hiện nay. Việc gián đoạn nguồn cung sẽ đẩy các nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô của Nga như V4 rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự nghiêm trọng. Hệ quả là khả năng viện trợ vũ khí hay các viện trợ khác của những quốc gia này cho Ukraine cũng sẽ bị suy yếu.

[Ukraine nhấn mạnh giải pháp ngoại giao trong cuộc xung đột với Nga]

Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala gần đây đã phải tiến hành đàm phán về việc chuyển giao xe tăng với Đức. Theo đó, Cộng hòa Séc trước tiên sẽ gửi xe tăng T-72 từ thời Liên Xô (cũ) tới Ukraine để đổi lấy các xe tăng Leopard 2 của Đức, đồng thời nhận một số xe tăng đã qua sử dụng, chủ yếu để phục vụ huấn luyện, cũng như đặt mua một phiên bản mới hơn để có thể dùng trong chiến đấu. Tuy nhiên, vấn đề là liệu một quốc gia như Cộng hòa Séc khi rơi vào suy thoái kinh tế lại có khả năng chi ra khoảng gần 20 triệu USD để mua thêm xe tăng hay không?

Ví dụ cụ thể đó có thể được khái quát hóa cho toàn bộ EU: nhập nguyên liệu thô từ Nga và trả tiền cho Nga, nhưng đồng thời vẫn giữ được khả năng đối phó với Nga một cách hiệu quả. Về cơ bản, đây có thể được ví như một ván cờ đặc biệt mà không phải ai cũng có gan chơi, nhưng vẫn phải chấp nhận tham gia.

Đối với Cộng hòa Séc, Ba Lan là đối tác rất quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề khắc phục sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Hành động của Nga có thể đem lại một "thành tựu" bất ngờ -đó là hình thành nên một mối quan hệ đối tác chiến lược vốn đang hoạt động có phần mơ hồ giữa Cộng hòa Séc và Ba Lan. Kể từ sau năm 1989, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Trung Âu này không có vấn đề gì, nhưng cũng không có nhiều dự án hợp tác cụ thể. Gần đây, giữa hai bên đã xảy ra tranh chấp liên quan đến mỏ Turow, tuy nhiên mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa ngay trước khi Nga tấn công Ukraine.

Về phần mình, Slovakia lại không thể tách rời khỏi Visegrad. Trong khi đó, đối với bản thân nhóm, một liên minh chặt chẽ với Hungary là điều không thể chấp nhận được nếu chỉ dựa trên những lý do lịch sử để lại. Chính vì vậy, chuyến thăm hiện nay của tân Tổng thống Katalin Novakova tới Warsaw cũng chính là một nỗ lực ít nhất có thể tạm thời hàn gắn lại trục chiến lược Budapest-Warsaw vốn đang bị rạn nứt. Nhờ những nỗ lực như vậy, "chiếc ghế bốn chân" của Nhóm Visegrad sẽ còn đứng vững và chưa có "chân" nào bị bẻ gãy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục