NATO đề xuất làm trung gian hòa giải tranh cãi Đức-Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đề xuất làm trung gian tổ chức cho các nghị sỹ Đức đến thăm binh sỹ đang đồn trú tại một căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ.
NATO đề xuất làm trung gian hòa giải tranh cãi Đức-Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: AFP)

Ngày 24/7, Tổng Thư ký tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã đề xuất làm trung gian tổ chức cho các nghị sỹ Đức đến thăm binh sỹ nước này đang đồn trú tại một căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hóa giải căng thẳng giữa hai thành viên của khối.

NATO bày tỏ lo ngại sâu sắc sau khi Đức quyết định rút binh sỹ khỏi căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ sang Jordan, và đã quyết định đứng ra làm trung gian hòa giải.

Người phát ngôn của NATO Piers Cazalet cho biết Tổng Thư ký Stoltenberg đề xuất dàn xếp một chuyến thăm của nghị sỹ Đức tới căn cứ không quân Konya ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Căn cứ này đóng một vai trò quan trọng trong các chiến dịch của NATO nhằm hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo(IS) tự xưng.

[Đức cảnh báo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang hủy hoại quan hệ song phương]

Ông Stoltenberg đưa ra đề xuất trên trong bối cảnh Ankara đang tìm cách hạn chế các hậu quả kinh tế do tranh cãi với Berlin và bác bỏ đề nghị của Đức giúp Thổ Nhĩ Kỳ điều tra cáo buộc hàng trăm công ty Đức có liên hệ với các tổ chức khủng bố. Đức là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và là nơi có 3 triệu người Thổ sinh sống, vì vậy, tình trạng xuống cấp trong quan hệ hai nước đe dọa ảnh hưởng không nhỏ tới các quan hệ kinh tế và nhân dân.

Trong một năm qua, quan hệ Đức-Thổ luôn trong tình trạng sóng gió liên quan đến các vấn đề người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và khôi phục án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, hay vụ bắt giữ công dân Đức...

Mâu thuẫn leo thang sau khi Ankara không cho phép các nghị sỹ Đức đến thăm binh lính của nước này đóng quân tại các căn cứ quân sự Incirlik và Konya.

Đáp lại, Đức cảnh báo dừng khoản hỗ trị giá 3 tỷ euro mà EU cam kết dành cho Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp tràn vào châu Âu ký tháng 3/2016, đồng thời cảnh báo áp đặt các biện pháp mạnh nhằm vào lĩnh vực du lịch và đầu tư tại Thổ Nhĩ Kỳ, và sẽ xem xét lại toàn bộ mối quan hệ giữa hai nước. Về phần mình, Ankara đã trình Cơ quan cảnh sát quốc tế (Interpol) một danh sách gồm 700 công ty Đức mà họ cho là hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố.

Trong một nỗ lực mới nhất nhằm tìm cách giảm căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút lại đề nghị điều tra các công ty Đức.

Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Đức Thomas de Maiziere ngày 24/7, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu khẳng định không có công ty nào của Đức bị Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vì nghi ngại hỗ trợ các nhóm khủng bố.

Về phần mình, Bộ trưởng Soylu tái khẳng định môi trường đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại Thổ Nhĩ Kỳ được đảm bảo an toàn và chính sách này sẽ được duy trì trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục