Thị trường chứng khoán Thượng Hải ghi nhận mức cao kỷ lục

Phiên 3/11, trong khi chứng khoán Thượng Hải ghi nhận mức cao kỷ lục 21 tháng nhờ hy vọng về kích thích kinh tế từ Trung Quốc còn các thị trường khác chịu sức ép chốt lời.
Thị trường chứng khoán Thượng Hải ghi nhận mức cao kỷ lục ảnh 1Bảng giá chứng khoán tại một công ty chứng khoán tư ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Trong phiên giao dịch ngày 3/11, trong khi thị trường chứng khoán Thượng Hải ghi nhận mức cao kỷ lục 21 tháng nhờ hy vọng về các biện pháp kích thích kinh tế từ Chính phủ Trung Quốc sau thống kê cho thấy hoạt động chế tạo của nước này tăng trưởng chậm hơn, các thị trường khác trong khu vực lại giảm điểm do hoạt động chốt lời.

Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,34%, hay 82,09 điểm, xuống 23.915,97 điểm, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,36%, hay 19,7 điểm, xuống 5.506,9 điểm và chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,58%, hay 11,46 điểm, xuống 1.952,97 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,41%, hay 9,85 điểm, lên 2.430,03 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 2/2013. Thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ.

Cuối tuần trước, Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy chỉ số quản lý sức mua (PMI) của lĩnh vực chế tạo của nước này trong tháng 10 vừa qua giảm xuống 50,8 điểm, từ mức 51,1 điểm của tháng Chín. Đây là chỉ dấu mới nhất về sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, số liệu PMI do HSBC công bố ngày 3/11 dù là cao nhất kể từ tháng Bảy (50,4 điểm), cho thấy hoạt động chế tạo tiếp tục ổn định, song động lực có thể đã yếu đi, khi có những dấu hiệu rõ ràng rằng nhu cầu là không đủ.

Một mặt, những số liệu mới công bố về PMI đưa đến hy vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ phải thực hiện thêm các biện pháp kích thích kinh tế mà một trong số đó có thể là việc cắt giảm lượng dự trữ tiền mặt của các ngân hàng để có thể tăng cho vay. Mặt khác, những số liệu này cũng gây lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ còn suy giảm tăng trưởng hơn nữa.

Các thị trường chứng khoán châu Á bứt lên mạnh mẽ trong tuần trước khi nhà đầu tư phấn khích sau thông báo của Ngân hàng trung ương Nhật Bản rằng sẽ mở rộng chương trình mua tài sản để thúc đẩy hoạt động cho vay và ngăn chặn nguy cơ suy thoái của nền kinh tế.

Thông báo này giúp nhà đầu tư an tâm hơn sau quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc kết thúc chương trình mua trái phiếu. Sau khi tăng mạnh, sang phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11 này, các thị trường chứng kiến hoạt động bán ra chốt lời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục