Ba Lan phản đối kế hoạch trừng phạt của EU về cải cách tư pháp

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã trao cho Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker một tài liệu chi tiết nhằm bảo vệ chương trình cải cách tư pháp của nước này.
Ba Lan phản đối kế hoạch trừng phạt của EU về cải cách tư pháp ảnh 1Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (giữa). (Nguồn: Getty)

Ngày 8/3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã trao cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker một tài liệu chi tiết nhằm bảo vệ chương trình cải cách tư pháp của nước này trong bối cảnh sắp đến thời hạn chót (ngày 20/3) mà EC đặt ra cho Ba Lan trước khi áp đặt các lệnh trừng phạt quốc gia Đông Âu.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp ông Juncker tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Morawiecki bày tỏ hy vọng EC - cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) - sẽ phân tích kỹ càng và nghiêm túc các tài liệu dày 96 trang của Ba Lan và cuộc nói chuyện của ông với ông Juncker sẽ đủ sức thuyết phục EU rằng kế hoạch cải cách trên vẫn đảm bảo tính độc lập của ngành tư pháp nước này.

Theo bản tóm tắt chính thức của tài liệu trên, Ba Lan cho rằng EU không thể áp dụng Điều 7 Hiệp ước Lisbon để áp đặt các biện pháp trừng phạt Vacsava bởi các thẩm phán nước này được đảm bảo tính độc lập và chương trình cải cách trên tương tự như quy định của các nền dân chủ khác trong EU.

[Nghị viện châu Âu ủng hộ các bước trừng phạt chưa từng thấy với Ba Lan]

Tài liệu cũng cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt của EU có thể tạo ra "tiền lệ nguy hiểm" dẫn tới sự phá hoại chủ quyền của các nước thành viên, cũng như có thể đẩy mạnh thái độ bài châu Âu trở nên ngày càng rõ rệt hơn. Theo tài liệu, các lệnh trừng phạt của EU có thể khiến gia tăng các lực lượng chính trị theo đường lối dân túy.

Hồi tháng 12/2017, EC đã bắt đầu tiến hành các thủ tục pháp lý chưa từng có tiền lệ để khởi kiện Ba Lan liên quan chương trình cải cách tư pháp gây tranh cãi của nước này, vốn bị Brussels coi là "mối đe dọa " tới nguyên tắc pháp quyền. EC đã cáo buộc đảng Công lý và phát triển (PiS) cầm quyền ở Ba Lan đã vi phạm các nguyên tắc luật pháp khi tiến hành các cải cách tư pháp và hệ thống truyền thông nhà nước kể từ khi lên cầm quyền hồi cuối năm 2015.

Sau 2 năm đối thoại với Ba Lan không đạt kết quả, tháng 12/2017, EC đã đề nghị hành động chống lại Vácsava, có thể dẫn tới việc đình chỉ quyền bỏ phiếu của nước này trong EU nếu Vácsava không có nhượng bộ trước hạn chót là vào ngày 20/3.

EU có thể sẽ áp dụng Điều 7 Hiệp ước Lisbon, vốn quy định EU có thể tước quyền bỏ phiếu của Ba Lan tại EC, nếu quốc gia này không thực hiện đầy đủ những yêu cầu của EU. Mặc dù vậy, khả năng này khó xảy ra vì đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả các chính phủ thành viên EU. Hungary cam kết sẽ bỏ phiếu phủ quyết bất kỳ hành động nào chống lại đồng minh Ba Lan.

Trước đó, vào tháng 7/2017, Nghị viện Ba Lan đã đề xuất một dự thảo luật về cải tổ hệ thống tư pháp, khẳng định cuộc cải cách này là cần thiết để tăng tính hiệu quả của tòa án. EC cho rằng hành động của cơ quan lập pháp Ba Lan không chỉ vi phạm các nguyên tắc của EU mà còn tạo điều kiện cho cơ quan hành pháp nước này gây ảnh hưởng và thậm chí là can thiệp vào cơ cấu tổ chức, thẩm quyền cũng như hoạt động chuyên môn của cơ quan tư pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục