Cần làm gì để các CLB bóng đá Việt ổn định tài chính mỗi mùa giải?

Hầu hết các câu lạc bộ Việt Nam chưa thể tự chủ tài chính, thường phụ thuộc vào nguồn tiền từ nhà tài trợ nên dễ dàng lao đao mỗi khi nhà tài trợ chính “biến mất” ở giai đoạn giữa mùa giải.
Câu lạc bộ Sài Gòn (áo xanh) đứng trước nguy cơ giải thể sau mùa giải 2022. (Ảnh: VPF)
Câu lạc bộ Sài Gòn (áo xanh) đứng trước nguy cơ giải thể sau mùa giải 2022. (Ảnh: VPF)

Mùa giải 2022 tiếp tục chứng kiến những câu lạc bộ (CLB) gặp vấn đề tài chính và đứng trước nguy cơ giải thể như CLB Cần Thơ, Phù Đổng và Sài Gòn dù trước đó từng hoạt động bình thường và trải qua bước kiểm tra yêu cầu tài chính từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Vậy câu hỏi được đặt ra là vì sao các câu lạc bộ Việt Nam vẫn thường xuyên gặp phải vấn đề tài chính ở giai đoạn giữa mùa và cần làm gì để đội bóng có thể ổn định tài chính xuyên suốt giải?

[‘Nhà đầu tư phải hiểu rõ vấn đề trước khi bỏ tiền làm bóng đá’]

Trao đổi với với Báo điện tử VietnamPlus, Cựu giám đốc điều hành câu lạc bộ Phố Hiến và Cần Thơ, ông Lê Minh Dũng chỉ ra một số điểm quan trọng trong việc duy trì tài chính cho câu lạc bộ.

Ông Lê Minh Dũng từng làm việc tại câu lạc bộ Cần Thơ – đội bóng lao đao vì nhà tài trợ chính rút đi và đứng trước nguy cơ giải thể khi Hạng Nhất Quốc gia 2022 đang chuẩn bị bước vào những vòng đấu cuối cùng.

Cần làm gì để các CLB bóng đá Việt ổn định tài chính mỗi mùa giải? ảnh 1Câu lạc bộ Quảng Ninh giải thể sau mùa giải 2021 vì nhà tài trợ chính chấm dứt hợp đồng. (Ảnh: VPF)

- Trong điều lệ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có quy định về việc câu lạc bộ phải đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu. Ông có thể cho biết câu lạc bộ khi tham gia bóng đá chuyên nghiệp cần phải chứng minh như thế nào với VFF hay VPF về tiêu chí này?

Ông Lê Minh Dũng: Hiện nay, các câu lạc bộ tại V-League đều phải trải qua việc xem xét cấp phép tham dự giải bóng đá chuyên nghiệp, trong hồ sơ này có báo cáo kiểm toán tài chính. Đối với cấp phép của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) để dự các giải châu Á thì việc kiểm toán phải thực hiện bán thường niên, tức mỗi năm 2 lần. Công tác kiểm toán phải là bên thứ ba độc lập, có chuyên môn trong lĩnh vực này. Đối với các đội Hạng Nhất, theo trải nghiệm cá nhân của tôi thì chưa từng thấy Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) hay Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) trao đổi về con số cụ thể ngân sách hoạt động của đội bóng.

- Các câu lạc bộ thường đáp ứng tiêu chí về tài chính và được cấp phép trước mỗi mùa giải, nhưng đến giữa mùa giải thường gặp vấn đề. Vậy theo ông, VFF cần có những giải pháp nào nhằm tăng khả năng giám sát, đảm bảo tính vận hành của câu lạc bộ chuyên nghiệp hay không, đặc biệt trong vấn đề tài chính?

Ông Lê Minh Dũng: Vấn đề là khi nhà đầu tư của một đội bóng có vấn đề và thậm chí là đột ngột biến mất, VPF hay VFF không có cách nào để kiểm soát điều đó được cả. Dù có thể thực hiện hành động pháp lý nhưng vấn đề là bóng đá thì không chờ đợi kiện tụng tranh tố. Một vụ tranh chấp có thể phải mất tới 1-2 năm để giải quyết xong, trong khi bóng đá diễn ra mỗi tuần thì việc ngay trong mùa giải gặp sự cố là khó khăn cho tất cả các bên. Cách duy nhất là tăng cường sinh lực để các đội có thể tự tồn tại.

Ví dụ, VPF đã làm quá tốt khi mang về một khoản doanh thu lớn từ bản quyền truyền hình hệ thống V-League, từ đó mang tới doanh thu cho các câu lạc bộ. Khoản này còn ít nhưng sẽ là nguồn thu để các đội bóng giảm bớt sự phụ thuộc thuần vào một hoặc một số ít chủ đầu tư.

Với Việt Nam, đơn vị quản lý giải đấu có thể xây dựng các cơ chế “kiểm tra đầu vào,” kiểm soát cam kết đối với giới chủ, nhà đầu tư vào các đội bóng chuyên nghiệp. Việc này không mới, đã được thực hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới. 

- Ông có cho rằng VPF và VFF cần khắt khe hơn, như yêu cầu một khoản tiền “đặt cọc” hay phương án khác để đảm bảo nhà đầu tư đủ tiền duy trì hoạt động cho câu lạc bộ hay không?

Ông Lê Minh Dũng: Đây là một ý kiến hay. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề là "đặt cọc" thì có thể chưa hợp lý. Dù vậy vẫn có nhiều phương pháp để xác minh và hỗ trợ kiểm soát tài chính, vấn đề là mức độ minh bạch sẽ cần được đẩy cao, liệu các bên có sẵn sàng để minh bạch hóa hay không?

Câu lạc bộ Cần Thơ từng hai lần đổi nhà đầu tư nhưng vẫn không thể ổn định. (Ảnh: VPF)

- Theo ông, phải chăng các câu lạc bộ chuyên nghiệp vẫn chưa thể tự kiếm tiền, phụ thuộc nhiều vào nhà tài trợ nên không thể tự chủ và thường xuyên lao đao mỗi khi nhà tài trợ rời đi?

Ông Lê Minh Dũng: Đúng. Ngoài ra, giá trị của các câu lạc bộ bóng đá cũng như mức độ đầu tư đòi hỏi là quá lớn, nên việc tìm kiếm chủ đầu tư thay thế cũng luôn là khó khăn cho bất kỳ đội bóng nào chứ không chỉ ở Việt Nam.

Mỗi đội bóng là một doanh nghiệp. Vì vậy tổ chức phải tự cân đối được thu chi, nếu thu không đủ bù chi thì phải có nguồn vốn hoặc nguồn đầu tư để hỗ trợ. Các đội bóng ở Việt Nam có ít nguồn thu và hầu như chi theo hình thức giải ngân ngân sách chứ chưa đặt ra bài toán cân đối thu chi. Thế nên suy cho cùng đây là sự tự chủ của mỗi bên, về lý thuyết thì rõ ràng các đội không thể không tự đảm bảo cho chính tổ chức của mình được.

- Với hiểu biết về các nền bóng đá khác, ông có thể cho biết, bóng đá nước ngoài thường quy định và áp dụng điều lệ như thế nào với câu lạc bộ về mặt tài chính?

Ông Lê Minh Dũng: Giải đấu Ngoại hạng Anh có hệ thống bài kiểm tra tư cách của nhà đầu tư, chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá. Dù bài kiểm tra này cũng có những điểm yếu nhưng nó là một hình thức tốt để thể hiện thái độ và yêu cầu cam kết. Mức độ minh bạch cần được gia tăng, việc xem xét rà soát các báo cáo kiểm toán cũng có thể là một cách. 

Phải nhìn nhận thực tế rằng ngay ở những nền bóng đá lớn nhất thế giới, việc bóng đá không tạo ra được giá trị lãi suất đủ lớn so với quy mô hoặc thậm chí là không tạo ra lãi vẫn rất phổ biến. Tuy nhiên, cuộc chơi vẫn đủ cởi mở. Tôi nghĩ vẫn còn những điều mà mọi người chưa làm hết để có thể kết luận rằng chắc chắn không thể kiếm được tiền trực tiếp từ bóng đá Việt Nam.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Yêu cầu tài chính đối với câu lạc bộ chuyên nghiệp Việt Nam

Một câu lạc bộ chuyên nghiệp muốn hoạt động và tham gia các giải đấu cấp cao của Việt Nam hoặc Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), cần phải được cấp phép từ Ban cấp phép của VFF theo những tiêu chí khắt khe được đặt ra từ AFC.

Theo đó, về tài chính, câu lạc bộ phải đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu 35.000.000.000 đồng (ba mươi lăm tỷ đồng/năm) đối với câu lạc bộ V-League và tối thiểu 15.000.000.000 đồng/năm (mười lăm tỷ đồng/năm) đối với câu lạc bộ hạng Nhất.

Nguồn kinh phí cho hoạt động của câu lạc bộ có thể từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phải có nguồn gốc hợp pháp và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán.

Trong khi đó, câu lạc bộ phải nộp đủ các báo cáo, giấy tờ liên quan đến khâu tài chính khi xin cấp phép theo yếu tố được đề ra trong Sổ tay tài chính cấp phép câu lạc bộ của AFC. Ở mục này, một số báo cáo quan trọng cần được câu lạc bộ thực hiện gồm báo cáo tài chính, chứng minh không có khoản phải trả quá hạn, kế hoạch tài chính cho năm tiếp theo…

Còn lại, câu lạc bộ cũng cần phải nộp một bản báo cáo tài chính có kiểm toán trong vòng 45 ngày sau khi kết thúc năm tài chính.

Theo Tổng thư ký VFF, ông Dương Nghiệp Khôi, câu lạc bộ có trách nhiệm lập báo cáo tài chính có kiểm toán và cung cấp tài liệu chứng minh khả năng tiếp tục hoạt động liên tục của câu lạc cho đến hết mùa giải thì mới được cấp phép tham dự giải đấu trong nước hoặc quốc tế./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục