Đồng bảng Anh đã tăng trở lại trước dự báo về chiến thắng dành cho Công đảng đối lập.
Tuy nhiên, biến động của đồng tiền này trong thời gian tới vẫn phụ thuộc vào việc tân chính phủ có thể thuyết phục nhà đầu tư rằng kế hoạch củng cố nền kinh tế đang trì trệ sẽ phát huy hiệu quả.
Đồng bảng Anh đã trở lại mức cao chưa từng thấy kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 khi thị trường đồn đoán giai đoạn chính trị thiếu ổn định dưới thời đảng Bảo thủ sắp kết thúc.
Hơn 20 nhà kinh tế và cựu quan chức chính phủ cho biết nếu Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 4/7 tới, chính phủ mới tại Anh sẽ cần phải giữ vững niềm tin của các nhà đầu tư trong khi giải quyết những thách thức kinh tế mà đảng Bảo thủ để lại.
Nợ công trên GDP của Anh đang ở mức cao nhất trong 63 năm và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm bốn trong năm quý tính đến cuối năm 2023.
Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS) cho rằng để tránh cắt giảm chi tiêu, Công đảng sẽ cần phải tăng thuế hoặc tăng vay nợ.
Giáo sư tài chính Costas Milas của trường đại học Liverpool, người nghiên cứu mối quan hệ giữa sự thiếu chắc chắn của chính sách kinh tế và thị trường tài chính, cho rằng nếu nhà đầu tư thiếu niềm tin vào tân chính phủ, đồng bảng sẽ giảm mạnh hơn và biến động nhiều hơn.
Theo một cuộc khảo sát, Công đảng dẫn trước đảng Bảo thủ cầm quyền khoảng 20 điểm phần trăm.
Biến động của đồng bảng
Từng là đồng tiền dự trữ của thế giới, đồng bảng Anh đang giao dịch vào khoảng 1,27 USD/bảng, thấp hơn mức trung bình trong bốn thập kỷ trước năm 2016, song vẫn cao hơn so với tất cả các đồng tiền chủ chốt khác trong năm nay.
Đồng bảng Anh đã rơi xuống mức thấp kỷ lục 1,03 USD/bảng vào năm 2022 khi cựu Thủ tướng đảng Bảo thủ Liz Truss đưa ra một chính sách gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường trái phiếu, làm tăng chi phí vay nợ và làm trầm trọng thêm lạm phát.
Biến động mạnh của đồng bảng đã khiến các nhà quan sát ví von đồng tiền này giống với đồng tiền của các thị trường mới nổi đầy rủi ro.
Sự biến động của đồng bảng đã tác động trở lại nền kinh tế Anh.
Nghiên cứu của Giáo sư Milas cho thấy sự thiếu chắc chắn của chính sách kinh tế tại Anh kể từ năm 2016 đã trực tiếp gây ra căng thẳng trên thị trường tài chính, trong đó phải kể đến sự gia tăng biến động tỷ giá hối đoái, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Các nhà phân tích nhận định một chính phủ do Công đảng cầm quyền với những chính sách có thể dự đoán được và được thị trường hỗ trợ có thể đảo ngược chu kỳ trên.
Chiến lược gia Guillermo Felices tại công ty quản lý tài sản PGIM Fixed Income nhận định nếu Công đảng đi đúng theo kế hoạch và đưa ra một số trách nhiệm tài chính, đây sẽ là sự hỗ trợ tuyệt vời.
Chiến lược gia Michael Field của công ty dịch vụ tài chính Morningstar rằng đà tăng gần đây của đồng bảng Anh là nhờ kỳ vọng vào sự ổn định.Thị trường tiền tệ cũng dự đoán về khả năng Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Lịch sử đã cho thấy chính sách tài khóa cũng đóng vai trò quan trọng đối với tỷ giá đồng bảng Anh như lãi suất.
Song, đến nay, chính sách của Công đảng vẫn chưa được công bố rõ ràng.
Tuần này, IFS đã chỉ trích cả Công đảng và đảng Bảo thủ vì đã đưa ra các tuyên ngôn trước bầu cử né tránh các vấn đề về thuế và vay nợ.
Triển vọng của đồng bảng
Theo dữ liệu của LSEG, các nhà phân tích kỳ vọng đồng bảng Anh sẽ tăng lên trung bình 1,2875 USD/bảng trong 12 tháng.
Ông Simon Harvey, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối của công ty tài chính Monex Europe, nhận định các nhà giao dịch tiền tệ đang lạc quan về xu hướng đi lên của đồng bảng Anh trong ngắn hạn vì năng lực tài chính của Chính phủ Anh khiến Công đảng hầu như không có cơ hội chi tiêu quá mức.
Song, nếu tăng trưởng của kinh tế Anh cải thiện theo thời gian, ông Harvey cho rằng vẫn có nguy cơ Công đảng chuyển hướng sang gia tăng chi tiêu.
Do đó, thị trường muốn chờ đợi tình hình sẽ diễn ra như thế nào trong dài hạn và các nhà quản lý đầu tư có thể không thích triển vọng này trong vòng 5 năm tới.Nhà kinh tế cấp cao Nikolay Markov của công ty quản lý tài sản Pictet Asset Management lưu ý nếu Công đảng nên đi theo kịch bản đầu tư mạnh mẽ, kết quả sẽ là lạm phát và những tác động tiêu cực đến thị trường trái phiếu Anh cũng như đồng bảng Anh.
Nước Anh đã phải vật lộn với tình trạng lạm phát cao hơn so với các quốc gia khác thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), với mức lạm phát đạt đỉnh 11,1% vào năm 2022.
Oxford Economics ước tính đồng bảng Anh mất giá 10% sẽ làm tăng giá tiêu dùng tại Anh tăng thêm 1,3 điểm phần trăm trong hai năm.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Anh, gây ra một cuộc suy thoái khi các gói cứu trợ ngân hàng tốn kém sau đó đã dẫn đến chính sách thắt lưng buộc bụng làm suy giảm đà tăng trưởng kinh tế./.
Tầm quan trọng của đồng bảng Anh đối với thị trường tiền tệ toàn cầu
Hiện đồng bảng Anh đang giao dịch quanh mức 1,27 USD đổi 1 bảng Anh - tăng 23% so với mức thấp kỷ lục năm 2022.