Công ty Mỹ bị kiện liên quan đến vụ nổ tại cảng Beirut năm 2020

TGS, tập đoàn liên doanh giữa Mỹ và Na Uy, tuyên bố công ty này bác bỏ mọi cáo buộc liên quan thảm kịch xảy ra tại cảng Beirut (Liban) khiến hơn 200 người thiệt mạng hồi năm 2020.
Công ty Mỹ bị kiện liên quan đến vụ nổ tại cảng Beirut năm 2020 ảnh 1Hiện trường đổ nát sau các vụ nổ kinh hoàng ở khu cảng Beirut, ngày 4/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/7, tập đoàn dịch vụ địa vật lý TGS liên doanh giữa Mỹ và Na Uy, công ty bị nêu tên trong vụ kiện trị giá 250 triệu USD liên quan đến vụ nổ tại cảng Beirut (Liban) năm 2020 làm hơn 200 người thiệt mạng, đã bác bỏ mọi cáo buộc trong thảm kịch này.

Vụ kiện có 9 nguyên đơn, đều là công dân Mỹ. TGS cho biết đã nắm được thông tin đơn kiện được gửi lên tòa án ở Texas trong tuần này, đồng thời hãng này tuyên bố: “Chúng tôi bác bỏ mọi cáo buộc nêu trong đơn kiện và có ý định bảo vệ tại tòa.”

TGS sở hữu công ty Spectrum Geo của Anh. Công ty này đã thuê tàu Rhosus cách đây một thập kỷ. Con tàu này đã chở hóa chất ammonium nitrate, loại hóa chất được lưu trữ ở cảng Beirut và phát nổ vào ngày 4/8/2020.

Ngoài những người thiệt mạng, vụ nổ còn làm hàng nghìn người bị thương và tàn phá cảng này và một khu vực lớn ở trung tâm thủ đô Liban.

Đây là một trong những vụ nổ kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại nếu không tính đến các vụ nổ hạt nhân.

[Vụ nổ tại cảng Beirut: Kết luận của FBI về lượng phân bón đã phát nổ]

Accountability Now, một quỹ của Thụy Sĩ hỗ trợ các nguyên đơn, cho biết công ty Spectrum đã ký một loạt hợp đồng có lợi nhuận cao nhưng đầy nghi vấn với Bộ Năng lượng Liban để vận chuyển thiết bị khảo sát địa chấn từ Liban đến Jordan bằng tàu Rhosus.

Bộ trưởng Năng lượng Liban khi đó là ông Gebran Bassil, con rể của Tổng thống Michel Aoun, đã bác bỏ mọi hành vi sai trái liên quan đến vụ nổ cách đây hai năm.

Cơ quan điều tra Liban cho rằng nguyên nhân dẫn đến vụ nổ trên là do "thiếu hành động và sơ xuất trong công tác lưu trữ vật liệu nổ."

Ngoài ra, một nhóm chuyên gia đã kiểm tra kho vật liệu tại cảng Beirut từ sáu tháng trước đó và cảnh báo chúng có thể khiến thủ đô của Liban bị nổ tung nếu không được di chuyển, song không có hành động nào được thực hiện.

Hiện các nạn nhân của thảm họa này muốn những quan chức bất cẩn và có dấu hiệu tham nhũng khi lưu trữ và bảo quản kém những vật liệu nguy hiểm trong nhiều năm phải đối mặt với công lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục