CSTO quan ngại căng thẳng ở biên giới Armenia-Azerbaijan

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) đã bày tỏ quan ngại về giao tranh ở biên giới Armenia-Azerbaijan ngày càng trầm trọng và cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra.
CSTO quan ngại căng thẳng ở biên giới Armenia-Azerbaijan ảnh 1Khu vực biên giới giữa hai nước. (Ảnh: Crisis Group)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) đã bày tỏ quan ngại về giao tranh ở biên giới Armenia-Azerbaijan ngày càng trầm trọng.

Thông cáo trên trang web của tổ chức này cho biết: “Liên quan đến tình trạng gia tăng căng thẳng trên biên giới Armenia- Azerbaijan, do các vụ đụng độ thực hiện từ vùng Tavush ngày 12/7, Tổng Thư ký CSTO Stanislav Zas đã đề xuất triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Thường trực CSTO. Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra trong ngày 13/7.

Bộ trưởng Ngoại giao Armenia - ông Zohrab Mnatsakanyan, đã thảo luận về tình hình trên biên giới với Tổng Thư ký CSTO. Theo hãng tin Sputnik-Armenia, ông Mnatsakanyan đã nhấn mạnh quan điểm “không thể chấp nhận những hành động khiêu khích như vậy đối với một thành viên CSTO và cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra.

Trước đó, ngày 12/7, Armenia và Azerbaijan đã cáo buộc lẫn nhau về việc tấn công bằng pháo tại khu vực biên giới chung giữa hai nước mà phía Azerbaijan cho biết đã khiến 3 binh sỹ nước này thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Văn phòng báo chí Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết đã tiêu diệt một cứ điểm của Armenia, phá hủy các khẩu pháo và ôtô.

Trong khi đó, Armenia cáo buộc Azerbaijan sử dụng pháo trong cuộc tấn công nói trên để chiếm giữ các vị trí của Armenia. Theo Bộ Quốc phòng nước này, các binh sỹ Armenia đã đẩy lùi các vụ tấn công và không bị tổn thất.

[Quân đội Armenia và Azerbaijan xung đột tại khu vực biên giới]

Đây là cuộc đối đầu trực tiếp được cho là hiếm khi xảy ra giữa hai quốc gia thuộc vùng Caucasus. Khu vực xảy ra cuộc tấn công nói trên nằm cách xa khu vực xảy ra tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Armenia và Azerbaijan là Nagorny Karabakh.

Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

CSTO gồm các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục