Đội tuyển Việt Nam có những thuận lợi nào ẩn sau khó khăn hiện hữu?

Đoàn quân huấn luyện viên Park Hang-seo bị áp lực đè nặng trong năm 2021 khi đối mặt các giải đấu quan trọng “dồn toa” từ năm nay do dịch COVID-19. Tuy nhiên, đó chỉ là những khó khăn ở bề nổi.
Đội tuyển Việt Nam vẫn có những thuận lợi riêng khi mọi giải đấu bị dồn vào năm 2021. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+)
Đội tuyển Việt Nam vẫn có những thuận lợi riêng khi mọi giải đấu bị dồn vào năm 2021. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+)

Nhiều khó khăn hiện hữu trước mặt đội tuyển Việt Nam bởi không có trận đấu chính thức nào trong năm 2020 nhưng phải đối mặt với lịch thi đấu dày đặc trong năm 2021, với hàng loạt mục tiêu quan trọng. 

Dẫu vậy, ẩn sau thách thức ấy là những lợi thế hiếm có cần được thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo khai thác triệt để. Nếu tận dụng tốt thời cơ trong vô vàn khó khăn, thành công sẽ đến như điều tất yếu. 

Sức ép "dồn toa" và "đan xen"  

Trường hợp thuận lợi nhất, tuyển Việt Nam phải thi đấu tới 21 trận trong năm 2021. Nếu vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á thì đoàn quân huấn luyện viên phải thi đấu tới 13 trận, gồm 3 trận do “dồn toa” từ năm nay và 10 trận của vòng loại tiếp theo. Ở đấu trường AFF Cup, nếu Công Phượng và đồng đội thi đấu xuất sắc thì đội tuyển sẽ có thêm 8 trận đấu và góp mặt ở trận chung kết.

Rõ ràng lịch thi đấu dày đặc như vậy là trở ngại không nhỏ và dễ nhận thấy. Bởi trong năm 2021, một số cầu thủ tuyển Việt Nam còn phải thi đấu cho đội U23 ở mục tiêu quan trọng là vòng loại U23 châu Á 2022 (3 trận) và SEA Games 31 trên sân nhà (ít nhất 5 trận). Bên cạnh đó, họ còn phải trở về chơi ở giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước. Thi đấu liên tục khiến tuyển thủ khó giữ vững phong độ cao và thể lực.

Tuyển Việt Nam và đối mặt lịch thi đấu dày đặc trong năm 2021. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+) 

Các trận đấu của Vòng loại World Cup 2022 trong năm 2020 hoãn lại cũng khiến tuyển Việt Nam đánh mất lợi thế so với đối thủ khi đang đứng đầu bảng G và rộng cửa đi tiếp. Đoàn quân “áo đỏ sao vàng” đáng lẽ được thi đấu đỉnh cao, duy trì phong độ tốt nhờ giải vô địch quốc gia (V-League) sớm trở lại thi đấu trong bối cảnh dịch COVID-19. Đội tuyển có thể hội quân sớm và an tâm khi Việt Nam là nước phòng chống dịch tuyệt vời. 

Nếu thi đấu vào cuối năm nay như dự kiến, Indonesia, UAE và Malaysia còn bấp bênh với các vấn đề như huấn luyện viên mới và cầu thủ nhập tịch. Nhưng thời gian kéo dài giúp đối thủ của tuyển Việt Nam có thêm thời gian để định hình và có sự chuẩn bị tốt nhất.

Tại AFF Cup được tổ chức vào tháng 4/2021 cũng tương tự, các đối thủ của tuyển Việt Nam có thêm lợi thế nhờ các giải vô địch quốc gia của họ dần trở lại ở giai đoạn cuối năm nay. 

Đáng ngại, huấn luyện viên Park Hang-seo gần như không có thời gian nghỉ ngơi trong năm 2021 với hàng loạt giải đấu ở cả hai cấp đội tuyển. Đây là rào cản không nhỏ nữa hiện hữu nữa với tuyển Việt Nam. 

Trong nhiều khó khăn, tuyển Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định cần nằm bắt triệt để. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+)

Thuận lợi "ẩn mình"

Tuy nhiên, không có trận đấu chính thức năm trong năm 2020 và bị “dồn toa” trong năm sau không hẳn chỉ khiến tuyển Việt Nam bất lợi. 

Thực tế, đoàn quân huấn luyện viên Park Hang-seo không lạ lẫm với việc thi đấu dày đặc trong một năm. Lực lượng chính hiện tại của tuyển Việt Nam từng trải qua 3 giải lớn trong năm 2018 gồm vòng chung kết U23 châu Á, ASIAD và AFF Cup. Trong khi đó, năm 2019 cũng không kém cạnh với Asian Cup, vòng loại U23 châu Á và vòng loại thứ hai World Cup 2022. Đáng chú ý, trong số này tuyển Việt Nam nhiều lần phải đá những trận đấu kéo dài tới 120 phút và bước tới loạt penalty. 

Hai năm trước, những cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải… là nòng cốt của cả tuyển quốc gia cùng U23 Việt Nam đã thi đấu tốt với lịch dày đặc như vậy để mang về thành công. Hiện tại, khi nhân sự của hai đội tuyển này ngày một được tách biệt, vấn đề như trên không hẳn là khó khăn quá lớn. Đặc biệt, tuyển Việt Nam còn đang có nhiều sự lựa chọn tốt ở tuyến nhân sự cho mục tiêu xoay tua đội hình. 

Lịch thi đấu dày đặc trước mắt không phải nhiệm vụ bất khả thi với đoàn quân huấn luyện viên Park Hang-seo. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+)

Trong thành công những năm qua, huấn luyện viên Park Hang-seo chưa có quãng nghỉ cần thiết. Không ít lần ông thầy người Hàn Quốc nhấn mạnh việc cần thực hiện những sự thử nghiệm để định hình lại lối chơi và tìm ra phương án mới nhằm tránh bị “bắt bài.” 

Còn nhớ khi V-League 2020 thi đấu liên tục, ông Park cùng trợ lý có mặt trên khắp các khán đài từ Bắc vào Nam để có thể tìm ra những gương mặt tốt nhất. Bản danh sách “hụt” mới nhất của tuyển Việt Nam cũng có tới 36 người nhằm phục vụ cho mục tiêu rà soát. 

Nếu tận dụng tốt phần còn lại của năm 2020 không có trận đấu chính thức bằng các đợt tập trung dài, thử nghiệm liên tục thì rõ ràng tuyển Việt Nam nắm cơ hội lớn để “lột xác.” Đối thủ dùng khoảng thời gian nghỉ dài tới đây để định hình lại thì ông Park hoàn toàn có thể tận dụng điều này tạo ra "phiên bản" mạnh hơn cho Tuấn Anh và đồng đội.

Việt Nam chống dịch COVID-19 rất tốt là lợi thế cho đội tuyển quốc gia mà nhiều đối thủ không có được. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+)

Đặc biệt, Việt Nam vẫn đang chống dịch COVID-19 quá tốt dù với những diễn biến mới nhất tại Đà Nẵng. Đây là cơ sở để tuyển quốc gia có điều kiện tốt nhất dù không thi đấu chính thức. Đó có thể là những trận đấu giao hữu chất lượng khi yếu tố y tế được đảm bảo tuyệt đối. 

Và với đội U23 Việt Nam cũng tương tự, đợt tập trung gần đây nhất chỉ là một trong những đợt rà soát lớn nhằm chuẩn bị kỹ càng cho hàng loạt giải đấu trong năm 2021. 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp bên ngoài dải đất hình chữ S, bóng đá cũng như nhiều khía cạnh khác của xã hội nếu tận dùng tốt lợi thế an toàn thì sẽ luôn có thể biến nguy thành cơ./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục