Dự báo thế giới năm 2020: Khủng hoảng Mỹ-Triều có thể tái diễn

Tổng thống Trump đã áp dụng chính sách "gây sức ép tối đa" đối với Triều Tiên, siết chặt các biện pháp trừng phạt đồng thời cử hạm đội tới áp sát bờ biển Triều Tiên.
Dự báo thế giới năm 2020: Khủng hoảng Mỹ-Triều có thể tái diễn ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Singapore, ngày 12/6/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, mùa Thu năm 2017, lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc "trút lửa và thịnh nộ" lên Triều Tiên đã gây ra bầu không khí căng thẳng.

Tổng thống Trump đã áp dụng chính sách "gây sức ép tối đa" đối với Triều Tiên, siết chặt các biện pháp trừng phạt đồng thời cử hạm đội tới áp sát bờ biển Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã đáp trả bằng một loạt lời lăng mạ và đe dọa đáng chú ý.

Những nhân vật diều hâu như Thượng nghị sỹ Lindsey Graham đã phải lên tiếng xua đi những lo ngại về sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh ở khu vực Đông Bắc Á. Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên dường như có một mục tiêu là tránh xa một cuộc Chiến tranh Triều Tiên lần hai.

Rồi điều bất ngờ đã xuất hiện trong năm 2018: một sự bùng nổ của các hoạt động ngoại giao. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tham dự các vòng đàm phán, gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quan trọng nhất là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các vụ thử tên lửa và hạt nhân đã được tạm ngừng.

Các cuộc tập trận quân sự đã được hoãn lại. Các chuyến thăm chính thức đã được thực hiện. Cam kết phi hạt nhân hóa đã được đưa ra. Tổng thống Mỹ đã "phải lòng" nhà lãnh đạo Triều Tiên, và chính ông đã tiết lộ điều đó.

Mối quan hệ nồng ấm, nhưng sự kỳ vọng của tổng thống Mỹ về việc nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ xuất hiện và giao nộp vũ khí hạt nhân không bao giờ trở thành hiện thực.

Việc thúc đẩy một thỏa thuận "được ăn cả, ngã về không" đã bị sụp đổ, cùng với các bước đi riêng rẽ nhằm đảm bảo với Triều Tiên rằng Washington không thúc ép Bình Nhưỡng phải thay đổi chế độ - như việc ký tuyên bố/hiệp ước hòa bình và mở các văn phòng liên lạc tại hai quốc gia.

Sự sụp đổ bất ngờ của Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội đã dẫn đến một cuộc rút lui ngoại giao toàn cầu của Triều Tiên.

Màn bắt tay "chớp nhoáng" hồi tháng 6/2019 ở Panmunjom giữa Donald Trump và Kim Jong-un đã nhanh chóng làm hồi sinh hy vọng về việc nối lại đàm phán, nhưng các cuộc đàm phán sau đó đã kết thúc nhanh chóng, với việc Bình Nhưỡng phàn nàn rằng chính quyền Mỹ không đưa ra điều gì mới, có thể là một bước đi thực tế tiến tới nới lỏng các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa trước khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Kim Yong-chol, một quan chức cấp cao của Triều Tiên tuyên bố Washington "không nên mơ về các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trước khi từ bỏ chính sách thù địch đối với" Triều Tiên.

Kim Jong-un đã đặt thời hạn chót để đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay. Và trong thông điệp Năm mới 2019, ông đã cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ "buộc phải tìm một hướng đi mới" nếu Mỹ "tìm cách ép buộc chúng ta đơn phương nhượng bộ... và vẫn không thay đổi các biện pháp trừng phạt và gây sức ép của họ."

Bức ảnh huyền bí Kim Jong-un cưỡi ngựa trắng trên ngọn núi thiêng Paektu phủ đầy tuyết hồi tháng 10/2018 đã ám chỉ rằng một sự thay đổi chính sách hoặc tuyên bố quan trọng sắp được đưa ra.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin các quan chức tháp tùng ông đã "bị thuyết phục rằng sẽ có một chiến dịch lớn khiến thế giới một lần nữa phải kinh ngạc và thúc đẩy cuộc cách mạng Triều Tiên tiến lên một bước."

Trong các cuộc đàm phán chóng vánh ở Stockholm vào tháng 10/2018, một lời cảnh báo đã được đưa ra. Nhà đàm phán hạt nhân của Triều Tiên Kim Myong Gil đã tuyên bố rằng việc Triều Tiên có tiến hành một vòng đàm phán mới hay không sẽ phụ thuộc vào Mỹ và "không ai biết liệu có bất kỳ hành động gây sốc nào mà không ai mong đợi xảy ra hay không khi Mỹ chưa sẵn sàng. Hãy chờ xem."

[Ông Trump: Chiến tranh với Triều Tiên có thể làm 100 triệu người chết]

Triều Tiên tiếp tục phóng các tên lửa tầm ngắn, hành động mà Tổng thống Trump cho là không quan trọng. Tuy nhiên, không nhận được phản ứng thỏa đáng từ Washington, các quan chức Bình Nhưỡng đã đưa ra những cảnh báo mới.

Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên, bà Choe Son-hui đã phàn nàn rằng "chúng tôi đã dành thời gian và thực hiện các biện pháp để xây dựng lòng tin nhưng Mỹ đã không có biện pháp tương ứng để đáp lại."

Đáng ngại là bà Choi cho biết "nếu Mỹ không thực hiện các bước tương ứng, cơ hội ngoại giao trên Bán đảo Triều Tiên sẽ biến mất, tôi cho rằng trách nhiệm rõ ràng thuộc về phía Mỹ."

Tổng thống Trump đã đề xuất một hội nghị thượng đỉnh khác, nhưng các quan chức Triều Tiên đã bác bỏ và gọi đó là "các cuộc gặp vô dụng" và là "thủ đoạn" của Mỹ.

Cuối tháng 11/2019, Kim Jong-un đã thăm các đơn vị quân sự tiền tuyến - lần đầu tiên kể từ hồi tháng 5/2019 - và đã ra lệnh cho quân đội thực hiện một cuộc tập trận chiến tranh thực sự ở "mức độ và cường độ cao hơn."

Một lần nữa, Bình Nhưỡng đã tiến hành các vụ thử pháo dùng đạn thật, dưới sự chứng kiến của Kim Jong-un, vi phạm thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018. Bước hợp lý tiếp theo là leo thang bằng một vụ phóng tên lửa tầm xa mới.

Triều Tiên có lẽ có hai mục tiêu: Đầu tiên là lái các cuộc đàm phán ra khỏi vấn đề phi hạt nhân hóa và hướng tới kiểm soát vũ khí. Không có khả năng Kim Jong-un chuẩn bị từ bỏ vũ khí được phát triển với chi phí lớn như vậy, đặc biệt là khi chúng mang lại vị thế và an ninh quốc tế và xây dựng lòng trung thành của quân đội trong nước.

Mô hình Libya vốn được Cố vấn an ninh quốc gia khi đó là John Bolton rất ưu thích minh họa cho vấn đề nan giải của Triều Tiên: cam kết miệng và trên văn bản không đảm bảo rằng Mỹ sẽ không tiếp tục đưa ra các đòi hỏi bổ sung hoặc buộc Triều Tiên phải thay đổi chế độ sau khi giải giáp vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, Tổng thống Trump là người dễ bị tổn thương. Trong khi tưởng tượng mình là một thiên tài đàm phán, trên thực tế, ông là một nhà đàm phán tệ hại. Ông không có sự hiểu biết sâu sắc, thái độ quá quắt, thông báo những ý định của mình thông qua điện báo, tập trung vào những chuyện vặt vãnh, quyết tâm theo đuổi các chiến lược thất bại, làm mất lòng các đồng minh tiềm tàng...

Lúc này, ông sắp bước vào một năm bầu cử mà không có một thành công về chính sách đối ngoại nào được ghi nhận: cuộc chiến thương mại với Trung Quốc tiếp tục căng thẳng, quân đội Mỹ vẫn tham chiến trong tất cả các cuộc chiến mà ông hứa sẽ chấm dứt, không một mục tiêu nào trong chính sách "gây áp lực tối đa" của ông chịu thỏa hiệp, chứ đừng nói đến việc đầu hàng, những "người bạn" nước ngoài của ông là những kẻ độc tài làm suy yếu lợi ích và giá trị của Mỹ, và những yêu cầu của ông về việc tăng đáng kể phần đóng góp quân sự của các đồng minh vẫn chưa được đáp ứng ở châu Á và châu Âu.

Với việc đảng Dân chủ chắc chắn nhắm mục tiêu vào hồ sơ thành tích ảm đạm trên, Trump ngày càng cần một chiến thắng (trong lĩnh vực đối ngoại) để lôi kéo cử tri.

Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu Kim Jong-un tiếp tục "chơi hết mình" để đạt được mục đích, từ chối đề nghị đàm phán của chính quyền Trump, với hy vọng Tổng thống Mỹ sẽ ngày càng thấy sự cấp thiết phải đạt được thỏa thuận.

Bình Nhưỡng có thể sẽ sắp xếp một vụ thử tên lửa tầm xa để tăng sức ép đáng kể, sau 2 năm trao đổi những bức thư "đẹp" và các cuộc gặp chân thành, Trump sẽ thấy mình trở lại điểm xuất phát. Đảng Dân chủ sẽ chế giễu sự nhẹ dạ và bất tài của ông. Đảng Cộng hòa sẽ có ít lý lẽ để bảo vệ ông.

Sau đó, Kim Jong-un có thể hào phóng đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh, nơi những cam kết giải trừ vũ khí có thể được đưa ra để đổi lại việc nới lỏng lệnh trừng phạt. Và Tổng thống Trump có thể trở về nhà, ăn mừng thắng lợi chính trị của mình.

Đó là một chiến lược hợp lý, nhưng cũng là một rủi ro. Thời điểm phải đúng, cảm xúc của tổng thống phải được kiểm soát, trận chiến chính trị phải ở đúng giai đoạn. Nếu có khâu nào mắc sai lầm, kết quả có thể khác xa và nguy hiểm hơn.

Hãy tưởng tượng Triều Tiên tiếp tục từ chối đàm phán cấp cao với những lời lăng mạ leo thang nhắm vào Tổng thống Trump. Sau đó, là một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), và nhiều động thái gợi ý gián tiếp hơn nữa sẽ xuất hiện. Lúc đó, Tổng thống Trump sẽ cảm thấy bị phản bội.

Khi ôm Kim Jong-un, Tổng thống Trump ngay sau đó cảm nhận được sự cự tuyệt của Kim. Vì vậy, Trump viết một bức thư trái ngược hẳn với những "bức thư tình" trước đây gửi cho nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, với những lời đe dọa thay vì nhượng bộ.

Để tăng thêm sức ép, Triều Tiên lên lịch thử hạt nhân. Đảng Dân chủ tung ra những lời chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Tổng thống Trump, cho rằng sự yếu kém của ông đã gây ra cuộc khủng hoảng mới nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục