Đức hối thúc NATO thảo luận tăng cường năng lực quân sự cho Ukraine

Trong năm 2023 và sau đó, Đức dự kiến viện trợ tổng cộng hơn 11 tỷ euro cho Ukraine nhằm tiếp tục hỗ trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu.
Đức hối thúc NATO thảo luận tăng cường năng lực quân sự cho Ukraine ảnh 1Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 22/6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tập trung vào chủ đề tăng cường năng lực quân sự cho Ukraine tại Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến diễn ra tại Vilnius (Lithuania) từ ngày 11-12/7 tới.

Nhà lãnh đạo Đức cũng cho biết một vấn đề quan trọng được nêu ra trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là mối quan hệ giữa Ukraine và NATO trong tương lai.

Phát biểu trước các nghị sỹ Đức ở Berlin, Thủ tướng Olaf Scholz cho rằng nên nhìn nhận tình hình hiện tại rõ ràng hơn, lưu ý rằng Ukraine đã khẳng định mong muốn trở thành thành viên NATO kể cả khi xung đột đang diễn ra.

Thủ tướng Đức nhấn mạnh đó là lý do ông đề xuất hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO ở Vilnius nên tập trung ưu tiên tăng cường năng lực cho Ukraine.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ Đức cũng dự định phối hợp với các đối tác Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các Nước Công nghiệp Phát triển (G7) và NATO để đưa ra “các cam kết an ninh dài hạn và hiệu quả.”

Theo ông, điều này sẽ đảm bảo Ukraine nhận được hỗ trợ quân sự bền vững và sức mạnh kinh tế cần thiết để tự bảo vệ.

Ông cũng cho rằng các cuộc hội đàm ở Vilnius sẽ gửi đi “tín hiệu mạnh mẽ” về sự hợp tác và quyết tâm xuyên Đại Tây Dương.

Bên cạnh đó, ông Sholz cũng cho biết từ năm 2024, Đức sẽ đáp ứng chỉ tiêu 2% GDP dành cho chi tiêu quốc phòng theo mức chung của NATO sau nhiều năm có chi tiêu quốc phòng dưới mức này.

Thủ tướng Đức cam kết quân đội nước này sẽ nhận được những trang thiết bị cần có.

Trong những năm qua, chi tiêu quốc phòng của Đức chiếm khoảng 1,5% GDP. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine đã dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách của Berlin.

Bên cạnh việc gửi vũ khí cho Ukraine, Đức đang bổ sung các kho vũ khí đã cạn kiệt của mình, từ máy bay chiến đấu, xe tăng cho đến hệ thống phòng không.

Sau cuộc hội đàm ngày 14/5 tại Berlin, Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra Tuyên bố chung, trong đó, Berlin khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ chừng nào Kiev còn thấy cần thiết.

Tuyên bố chung gồm 7 điểm, trong đó nhấn mạnh Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về chính trị, tài chính, nhân đạo và quân sự chừng nào còn cần thiết.

Chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện trên cơ sở song phương cũng như trong khuôn khổ hợp tác quốc tế tại EU, G7, NATO, Liên hợp quốc và những định dạng khác.

[Đức quyết định cung cấp gói khí tài quân sự cực lớn cho Ukraine]

Tuyên bố nhấn mạnh Đức đã có những đóng góp quân sự đa dạng và mạnh mẽ chưa từng có cho Ukraine, cung cấp một hoạt hệ thống vũ khí - bao gồm các hệ thống vũ khí và tên lửa phòng không chất lượng cao và hiệu quả, xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 và Leopard 2, xe chiến đấu bộ binh Marder, xe bọc thép, hệ thống pháo, giám sát trên không và radar phát hiện pháo binh cùng hàng tấn đạn dược cho xe chiến đấu, pháo, đạn phòng không và các loại đạn khác.

Đức và Ukraine cũng đã hợp tác thiết lập cơ sở sửa chữa và bảo trì cho các hệ thống vũ khí chuyển giao.

Trong năm 2023 và sau đó, Đức dự kiến viện trợ tổng cộng hơn 11 tỷ euro cho Ukraine nhằm tiếp tục hỗ trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu.

Ngoài ra, Đức cũng tiếp tục đóng góp tích cực vào các biện pháp của EU thông qua Quỹ Hòa bình châu Âu, nhằm hỗ trợ quân sự cho Ukraine. 

Ngoài hỗ trợ quân sự, Đức đã cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ dân sự rộng rãi, bao gồm hỗ trợ tài chính và nhân đạo cũng như hỗ trợ khẩn cấp, trong đó có hoạt động tái thiết cơ sở hạ tầng dân sự bị phá hủy, đường và cầu; hỗ trợ Kiev sửa chữa và tái thiết các cơ sở hạ tầng năng lượng và nước bị hư hỏng.

Đến nay, Đức đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn từ Ukraine.

Tính từ thời điểm nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, Berlin đã hỗ trợ Kiev trong những khuôn khổ khác nhau với tổng số tiền lên tới 17 tỷ euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục