Hơn sáu thập kỷ phát triển của SEA Games - món ăn tinh thần Đông Nam Á

Kể từ khi ra đời đến nay, SEA Games luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu với người yêu thể thao, đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực.
Hơn sáu thập kỷ phát triển của SEA Games - món ăn tinh thần Đông Nam Á ảnh 1Trang trí, chuẩn bị cho sự kiện chào đón SEA Games 32. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Từ ngày 5-17/5 tới, Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) sẽ diễn ra tại thủ đô Phnom Penh và bốn tỉnh của Campuchia, bao gồm: Siem Reap, Preah Sihanouk (Sihanoukville), Kampot và Kep. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Campuchia đăng cai tổ chức đại hội thể thao của khu vực.

Kể từ khi ra đời đến nay, sau hơn sáu thập kỷ tồn tại và phát triển, SEA Games vẫn luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu với những người yêu thể thao, đồng thời góp phần làm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, xuất phát từ quan điểm rằng: Các quốc gia Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng về lối sống, nền văn hóa, khí hậu và cả thể chất con người; cùng có một trình độ căn bản tương đương nhau về thành tích thể thao, nên cần tập hợp lại, hỗ trợ lẫn nhau tổ chức thường xuyên và định kỳ một đại hội thể thao chung có quy mô thích hợp giữa các quốc gia.

Vì vậy, ngày 22/5/1958, đại biểu các nước trong khu vực bán đảo Đông Nam Á khi đó đang tham dự Đại hội thể thao châu Á lần thứ 3 ở Tokyo (Nhật Bản) đã nhóm họp và nhất trí thành lập một tổ chức thể thao riêng của khu vực, mang tên là Liên đoàn Thể thao Bán đảo Đông Nam Á (The South East Asian Peninsular Games Federation, viết tắt là SEAP Games Federation), nhằm mục đích: Tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực; Không ngừng nâng cao thành tích, kỹ thuật, chiến thuật các môn thể thao; Tạo điều kiện cho vận động viên các nước rèn luyện và thi đấu nhằm tham gia tốt hơn tại các đại hội thể thao châu Á và Thế vận hội (Olympic).

Sau đó một năm, SEAP Games 1 đã được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 12-17/12/1959 với sự tham dự của 527 vận động viên thuộc các quốc gia Thái Lan, Burma (nay là Myanmar), Malaysia, Singapore, Việt Nam và Lào, tranh tài ở 12 môn thể thao.

Năm 1965, Liên đoàn Thể thao Bán đảo Đông Nam Á kết nạp thêm thành viên là Singapore sau khi Singapore tách ra khỏi Liên bang Malaysia để thành lập một quốc gia độc lập.

Từ năm 1977, SEAP Games chính thức được đổi tên là SEA Games. Ở kỳ đại hội này, có thêm hai thành viên mới tham gia là Indonesia và Philippines. Tiếp sau đó, SEA Games có thêm sự tham gia của Brunei kể từ Đại hội lần thứ 10 tổ chức tại Jakarta (Indonesia) vào năm 1979. Quốc gia cuối cùng tham gia SEA Games là Timor Leste tại SEA Games 22 tổ chức năm 2003 tại Việt Nam.

[SEA Games 32: Nước chủ nhà Campuchia vận hành 2 trung tâm báo chí]

Tính cả kỳ SEA Games 32 (năm 2023), Thái Lan và Malaysia là hai quốc gia có số lần tổ chức SEA Games nhiều nhất với sáu lần; Singapore, Indonesia và Philippines xếp thứ hai với bốn lần tổ chức SEA Games; Myanmar xếp thứ ba với ba lần tổ chức; Việt Nam với hai lần tổ chức; những quốc gia tổ chức một lần là Brunei, Lào và Campuchia.

Ngày nay, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) vẫn luôn là một sự kiện thể thao lớn của khu vực, được tổ chức hai năm/lần với sự tham gia của các vận động viên thuộc 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Những môn thể thao tổ chức tại một kỳ đại hội do Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á quyết định, đặt dưới sự giám sát của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Hội đồng Olympic châu Á.

Quá trình thi đấu tại SEA Games được xem là một trong những bước đệm quan trọng để các quốc gia Đông Nam Á chuẩn bị cho các kỳ đại hội thể thao khu vực và thế giới như Asiad hay Olympic.

Hơn sáu thập kỷ phát triển của SEA Games - món ăn tinh thần Đông Nam Á ảnh 2Hình ảnh linh vật thỏ trắng cùng pano, ápphích được trang hoàng trên tuyến phố chính tại Thủ đô Phnom Penh, chào đón SEA Games 32. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tuy nhiên, cũng có một thực trạng là dù thành tích khi đua tranh tại SEA Games cao song thành tích của các đại diện thể thao Đông Nam Á lại khá “khiêm tốn” khi tham gia tranh tài ở những đấu trường lớn như Asiad hay Olympic.

Do đó, kể từ SEA Games 33 diễn ra tại Thái Lan vào năm 2025 tới, đại hội sẽ ưu tiên các môn có trong chương trình thi đấu của ASIAD và Olympic. Cụ thể, SEA Games sẽ tập trung tổ chức các môn thể thao của nhóm 1 (điền kinh, bơi lội) và nhóm 2 (các môn thể thao Olympic khác).

Ngoài ra, nước chủ nhà đăng cai chỉ được chọn tối đa hai môn trong nhóm 3 (võ Arnis, cờ vua, thể hình, lặn, võ Kempo, bóng lưới, muay, ném bóng trên cỏ, khiêu vũ thể thao, pencak silat, bi sắt, đua thuyền truyền thống, đá cầu, trượt nước, Vovinam) với tổng số tám nội dung thi đấu.

Với động thái này, Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đặt kỳ vọng sẽ tạo dựng được nền móng vững chắc trong quá trình nâng tầm thể thao của khu vực.

Đoàn thể thao Việt Nam đã tham dự SEA Games từ những ngày đầu thành lập. Trong đó, thời kỳ trước năm 1975, miền Nam Việt Nam trước đây đã là một trong những thành viên sáng lập Liên đoàn Thể thao Bán đảo Đông Nam Á và liên tục đưa đoàn thể thao tham dự từ Đại hội lần thứ nhất (năm 1959) đến Đại hội lần thứ 7 (năm 1973).

Thời kỳ sau năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, trải qua một thời gian khắc phục hậu quả chiến tranh, Việt Nam đã từng bước tham gia trở lại sinh hoạt chung của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á. Năm 1989, sau 14 năm (từ SEAP Games 8 - năm 1975 đến SEA Games 14 - năm 1987 không tham dự), Đoàn thể thao Việt Nam đã hòa nhập trở lại đấu trường khu vực (SEA Games 15 - năm 1989).

Từ chỗ thể thao Việt Nam tham dự với mục tiêu hoà nhập, học hỏi bạn bè quốc tế, giờ đây, thể thao Việt Nam đã có thể tự tin bước vào các trận thi tài quốc tế, đặc biệt là một số môn võ thuật.

Tham dự SEA Games, thành tích của thể thao Việt Nam cũng từng bước được nâng dần lên. Nếu như tại SEA Games lần thứ 15, 16, Việt Nam còn xếp thứ 7 khu vực, thì đến SEA Games 21, đoàn thể thao Việt Nam đã vươn lên xếp thứ 4 khu vực, và đứng thứ nhất ở kỳ SEA Games 22 và SEA Games 31 (với tư cách là nước chủ nhà).

Trong các kỳ SEA Games gần đây, đoàn thể thao Việt Nam luôn giữ vững vị trí thứ ba trong các bảng tổng kết huy chương. Riêng kỳ SEA Games 25 và SEA Games 30, Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai trong bảng tổng kết.

Đặc biệt, trong hai lần đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 22 năm 2003 và SEA Games 31 năm 2022), với quyết tâm và trách nhiệm cộng đồng, Việt Nam đã làm hết sức mình, tổ chức thành công hai kỳ đại hội, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè khu vực và thế giới về năng lực tổ chức, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật.

Đáng chú ý là trong kỳ SEA Games 31 (từ ngày 12-23/5/2022), dù tổ chức trong hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch COVID-19 vừa được kiểm soát sau một thời gian dài thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện, và với khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn,” Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31, thể hiện trọn vẹn một Việt Nam thân thiện, hội nhập, trách nhiệm với bạn bè quốc tế; góp phần quan trọng để gắn kết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á; một Việt Nam tỏa sáng với tinh thần thể thao cao thượng; với bản sắc văn hóa đậm đà và tình đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội Singapore, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Singapore - ông Tan Chuan-Jin - khi đánh giá về SEA Games 31 đã khẳng định: "Để tổ chức được một kỳ SEA Games giữa lúc thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 cho thấy Việt Nam ở đẳng cấp rất cao"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục