Italy hạn chế tối đa quyền được tị nạn của những người nhập cư

Thượng viện Italy thông qua Dự luật Nhập cư và An ninh mới, theo đó sẽ bãi bỏ việc cấp giấy phép cư trú vì lý do nhân đạo và chỉ cho phép người nhập cư ở lại từ 3-6 tháng trong các trại chờ hồi hương.
Italy hạn chế tối đa quyền được tị nạn của những người nhập cư ảnh 1Tàu cứu hộ chở người di cư được cứu trên Địa Trung Hải ngày 12/6/2018. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Hạn chế tối đa quyền được tị nạn của những người nhập cư được coi là một trong những điểm then chốt của Dự luật Nhập cư và An ninh mới, do Phó Thủ tướng đồng thời là lãnh đạo đảng Liên đoàn Matteo Salvini khởi xướng và đã được Thượng viện Italy thông qua ngày 7/11.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, dự luật này sẽ bãi bỏ việc cấp giấy phép cư trú vì lý do nhân đạo (được thay thế bằng giấy phép cư trú tạm thời đặc biệt vì lý do sức khỏe) sang việc chỉ cho phép người nhập cư ở lại từ 3-6 tháng trong các trại chờ hồi hương.

Những tội phạm nghiêm trọng sẽ không còn quyền yêu cầu được bảo vệ và bị trục xuất khỏi lãnh thổ Italy.

Đối với những người yêu cầu quy chế tị nạn nhưng bị tòa sơ thẩm ra phán quyết, Ủy ban Xét duyệt sẽ họp và ra quyết định tức thời.

Bên cạnh đó, dự luật cũng đề cập khả năng tước quyền công dân Italy của những đối tượng có liên hệ với khủng bố.

Các hồ sơ xin tị nạn sẽ được xét chuyển sang một số quốc gia khu vực biển Caribe để đảm bảo tính nhân đạo. Quy chế tị nạn chỉ dành sự ưu tiên đối với những đối tượng được bảo vệ ở quy mô quốc tế hoặc trẻ vị thành niên không có người giám hộ, đi cùng.

Dự luật an ninh sửa đổi cũng tăng cường những biện pháp đảm bảo an ninh như giám sát an ninh bằng camera, giải tỏa các khu nhà có người nhập cư vào ở bất hợp pháp, sử dụng các thiết bị bay không người lái, giám sát chặt chẽ việc cho thuê xe và thành lập các Quỹ An ninh ở các khu dân cư.

[Chính phủ Italy vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện]

Hành động phong tỏa, gây tắc nghẽn giao thông trái phép sẽ không còn nằm trong khung xử phạt hành chính mà được điều chỉnh bởi Luật Hình sự.

Thẩm phán chuyên trách chống Mafia có quyền hạn sử dụng lực lượng cảnh sát giám thị để thu thập thông tin ngay trong các nhà tù.

Cơ quan tịch thu tài sản phạm tội có quyền hạn rộng hơn. Cảnh sát địa phương được tăng quyền hạn, có thể truy cập vào Trung tâm xử lý dữ liệu của Cảnh sát quốc gia để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trị an.

Các nhân viên hành pháp cũng có quyền được sử dụng súng điện laser để trấn áp các hành động có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn các ý đồ tấn công vào đám đông như đã xảy ra ở Nice (Pháp), London (Anh) hay Berlin (Đức).

Hoạt động trấn áp biểu tình được mở rộng về phạm vi, bao gồm cả ở các cơ sở y tế, hội chợ hay điểm tham quan du lịch.

Nguồn lực cho lực lượng hành pháp cũng được tăng cường đáng kể từ nay đến năm 2025 với ngân sách khoảng 360 triệu euro dành cho hệ thống thông tin chống khủng bố, các trang bị phòng chống tấn công sinh hóa, phóng xạ, hạt nhân; tập trung cho cảnh sát và lực lượng cứu hỏa.

Dự luật trên đang gây bất đồng trong chính phủ liên minh cầm quyền giữa hai đảng Liên đoàn và Phong trào 5 Sao (M5S) tại Italy. Một số thành viên thuộc đảng dân túy M5S đã từ chối ủng hộ dự luật này.

Tuy vậy, chính phủ liên minh ở Italy vẫn dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với dự luật này với tỷ lệ 163 phiếu ủng hộ, 59 phiếu chống và 19 phiếu trắng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục