Ngày 8/7, Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar cho rằng sẽ có nhiều lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) do dự nếu thủ tướng mới của Anh đề nghị gia hạn tiến trình đưa Anh rời EU (hay còn gọi là Brexit).
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Ireland cho biết bản thân ông không loại trừ khả năng này và quan điểm của Dublin là tạo điều kiện tối đa cho Anh.
Tuy nhiên, theo ông, nhiều nước khác bắt đầu "mệt mỏi" với những lần gia hạn Brexit liên tiếp. Chính vì thế, để đạt được sự đồng thuận gia hạn Brexit thì cần có lý do đặc biệt, không vì mục đích tái đàm phán, không vì các cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh nhưng có thể vì lý do như Anh muốn tổ chức bầu cử sớm hoặc một điều gì đó tương tự.
Ngoài ra, Thủ tướng Ireland cũng khẳng định trong trường hợp Brexit không thỏa thuận thì mục tiêu vừa duy trì đường biên giới mở với vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) và vừa duy trì tư cách thành viên của thị trường chung châu Âu sẽ rất khó khăn, nhưng không phải là "bất khả thi."
Hiện Dublin và Ủy ban châu Âu (EC) vẫn đang thảo luận về cách để thực hiện mục tiêu kể trên, nhưng Thủ tướng Varadkar khẳng định việc đảm bảo thống nhất luật định của vùng Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland là cách duy nhất.
Trước đó, Ngoại trưởng Cộng hòa Ireland Simon Coveney cho biết quốc gia này sẽ đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận đầy hỗn loạn.
[Ireland dự kiến thâm hụt ngân sách nếu Brexit “cứng” xảy ra]
Với mối liên hệ thương mại mật thiết và đường biên giới chung trên đất liền với Anh, Cộng hòa Ireland là thành viên EU được cho là sẽ chịu tác động mạnh nhất trong kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Hồi tháng Ba vừa qua, Quốc hội Ireland đã thông qua dự luật lớn nhất từ trước tới nay để chuẩn bị tốt nhất cho kịch bản này.
Ngoại trưởng Cộng hòa Ireland cho biết kế hoạch khẩn cấp cập nhật sẽ được hoàn thiện và cải thiện dựa trên những hoạt động vốn đã được chuẩn bị cho các mốc 29/3 và 12/4, vốn là hai hạn chót để Anh rời EU trước khi hai bên đạt thỏa thuận gia hạn tới ngày 31/10 tới.
Ngoại trưởng Coveney khẳng định nguy cơ Brexit không thỏa thuận hiện đang ở mức cao chưa từng có, qua đó cảnh báo người dân và các doanh nghiệp không chủ quan và tự động tin rằng Brexit sẽ tiếp tục được gia hạn.
Hiện vấn đề duy trì biên giới mở giữa Cộng hòa Ireland và vùng Bắc Ireland, bao gồm giải pháp "rào chắn" trong thỏa thuận mà Anh và EU đã ký kết hồi cuối năm 2018, vẫn là vấn đề gây tranh cãi nhất mà thủ tướng tiếp theo của Anh sẽ phải tìm cách giải quyết nhằm tháo gỡ bế tắc Brexit.
Cộng hòa Ireland cũng sẽ chịu sức ép từ các thành viên EU khác về chi tiết kế hoạch duy trì đường biên giới mở với vùng Bắc Ireland thời kỳ hậu Brexit trong trường hợp không thỏa thuận trong khi vẫn duy trì tư cách thành viên thị trường chung châu Âu./.