Mali trục xuất người phát ngôn của Phái bộ Gìn giữ Hòa bình LHQ

Các nhà chức trách Mali cáo buộc người phát ngôn của MINUSMA đã đăng "thông tin không thể chấp nhận được" trên mạng xã hội Twitter liên quan đến vụ Bamako bắt giữ 49 binh sỹ Bờ Biển Ngà hôm 10/7.
Mali trục xuất người phát ngôn của Phái bộ Gìn giữ Hòa bình LHQ ảnh 1Binh sỹ thuộc Phái bộ Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc (MINUSMA) tuần tra tại Timbuktu (Mali). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/7, chính quyền Mali đã ra lệnh trục xuất người phát ngôn của Phái bộ Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc ở Mali (MINUSMA), một động thái mới trong căng thẳng ngoại giao giữa Bamako và các đối tác quốc tế.

Các nhà chức trách Mali cáo buộc ông Olivier Salgado, người mang quốc tịch Pháp, đã đăng "thông tin không thể chấp nhận được" trên mạng xã hội Twitter liên quan đến vụ Bamako bắt giữ 49 binh sỹ Bờ Biển Ngà hôm 10/7.

Từ New York, Liên hợp quốc bày tỏ "vô cùng" lấy làm tiếc về quyết định này.

Phó phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq nhấn mạnh rằng nguyên tắc cá nhân không được chào đón không áp dụng cho các nhân viên của Liên hợp quốc và nói thêm rằng "các biện pháp thích hợp" sẽ được thực hiện, tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết.

[Mali đình chỉ tất cả các hoạt động gìn giữ hòa bình mới của LHQ]

Chính phủ Mali hôm 20/7 đã thông báo cho Phó Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Daniela Kroslak, về quyết định của Bamako yêu cầu ông Olivier Salgado, người phát ngôn của MINUSMA, rời khỏi lãnh thổ Mali trong vòng 72 giờ.

Với tư cách là người phát ngôn của Liên hợp quốc tại Mali kể từ khi MINUSMA được thành lập vào năm 2013, ông Olivier Salgado đã đăng tải các thông tin về trường hợp 49 binh sỹ Bờ Biển Ngà bị bắt ở Bamako.

Những người này, được chính quyền Mali mô tả là "lính đánh thuê," trong khi Abidjan cho biết đây là các nhân viên hỗ trợ cho lực lượng MINUSMA của Bờ Biển Ngà.

Theo bài đăng trên Twitter của người phát ngôn viên MINUSMA hôm 11/7, thông tin về việc thay thế lực lượng Bờ Biển Ngà của phái bộ đã được thông báo trước cho các cơ quan chức năng Mali.

Tuy nhiên, chính quyền Bamako đã phủ nhận điều này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục