Nga quan ngại về căng thẳng leo thang giữa Armenia và Azerbaijan

Quan hệ giữa Azerbaijan-Armenia leo thang căng thẳng sau khi Baku ngày 23/4 thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ Azerbaijan và nối Armenia với khu vực tranh chấp.
Nga quan ngại về căng thẳng leo thang giữa Armenia và Azerbaijan ảnh 1Binh sỹ giữ gìn hòa bình Nga gác tại một trạm kiểm soát trên tuyến đường ở thị trấn Stepanakert, sau khi giao tranh bùng phát giữa Azerbaijan và Armenia liên quan khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, ngày 26/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, ngày 24/4, Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi Armenia và Azerbaijan tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn năm 2020, đồng thời bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình căng thẳng leo thang liên quan khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.

Quan hệ giữa Azerbaijan và Armenia leo thang căng thẳng sau khi Baku ngày 23/4 thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ Azerbaijan và nối Armenia với khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh, gây phản ứng từ phía Yerevan.

Cơ quan biên phòng Azerbaijan cho biết lực lượng này đã thiết lập một trạm kiểm soát trên biên giới bên trong lãnh thổ nước này, lối vào tuyến đường Lachin-Khankendi (phía Armenia gọi là Stepanakert).

Bộ Ngoại giao Azerbaijan khẳng định hành động này của Baku là hợp pháp.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Armenia cho rằng việc Azerbaijan thiết lập trạm kiểm soát trên là vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mà các bên đã đạt được năm 2020.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ “lấy làm tiếc” trước những vụ đụng độ vũ trang xảy ra hôm 11/4 khiến nhiều quân nhân Armenia và Azerbaijan thiệt mạng và bị thương ở biên giới hai nước ở khu vực Tegh.

Trong tuyên bố ngày 12/4, người phát ngôn EU nhấn mạnh vụ việc trên một lần nữa cho thấy trong trường hợp không có biên giới phân định, đường ranh giới năm 1991 phải được tôn trọng. Lực lượng của mỗi bên phải rút về khoảng cách an toàn khỏi đường ranh giới này để ngăn chặn bất kỳ sự cố tương tự nào xảy ra.

Theo EU, các cam kết trước đây phải được tôn trọng, bao gồm cả những cam kết đã đạt được tại Prague (Séc) hồi tháng 10/2022 liên quan đến việc công nhận lẫn nhau về toàn vẹn lãnh thổ theo Tuyên bố Almaty năm 1991.

[EU quan ngại trước những vụ đụng độ ở biên giới Armenia-Azerbaijan]

EU cũng kêu gọi Yerevan và Baku tăng cường đàm phán phân định biên giới, đồng thời tiếp tục sẵn sàng hỗ trợ tiến trình này.

EU nhắc lại lời kêu gọi kiềm chế và giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Brussels sẽ tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực như vậy, kể cả ở cấp cao nhất cũng như thông qua sự hiện diện của phái bộ EU tại Armenia.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này.

Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp.

Hồi tháng 5/2022, hai nước thông báo đã thành lập một ủy ban phân định biên giới và động thái này được đánh giá là bước đi hướng tới việc sớm chấm dứt tranh chấp khu vực Nagorny-Karabakh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục