Nghị viện châu Âu ủng hộ công nhận Nhà nước Palestine

Với 498 phiếu thuận và 88 phiếu chống, ngày 17/12, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một nghị quyết ủng hộ công nhận Nhà nước Palestine trên nguyên tắc.
Nghị viện châu Âu ủng hộ công nhận Nhà nước Palestine ảnh 1Biểu tình ủng hộ Palestine độc lập tại Tây Ban Nha. (Nguồn: Getty)

Với 498 phiếu thuận và 88 phiếu chống, ngày 17/12, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một nghị quyết ủng hộ công nhận Nhà nước Palestine trên nguyên tắc.

Đây là động thái mang tính thỏa hiệp, không giống với các cơ quan lập pháp của một số nước châu Âu ủng hộ việc công nhận ngay Nhà nước Palestine.

Bản nghị quyết, được thông qua sau khi các đảng chủ chốt trong EP đạt được một thỏa thuận, nhấn mạnh EP ủng hộ trên nguyên tắc việc công nhận Nhà nước Palestine và giải pháp hai nhà nước, song bày tỏ tin tưởng rằng động thái này cần phải đi kèm với sự tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình vốn cần được thúc đẩy.

Các đảng Xã hội, đảng Xanh và những đảng theo đường lối cánh tả trong EP muốn sự công nhận ngay Nhà nước Palestine, tuy nhiên đảng Nhân dân châu Âu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, đảng lãnh đạo trong EP, lại muốn tiến hành động thái mang tính thỏa hiệp để tiến tới các cuộc đàm phán hòa bình.

Trước đó, nghị viện một số nước châu Âu như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ireland và Bồ Đào Nha cũng đã bỏ phiếu kêu gọi chính phủ công nhận Nhà nước Palestine nhằm gây sức ép, buộc Israel tái khởi động tiến trình hòa bình, trong khi đó Thụy Điển đã chính thức công nhận Nhà nước Palestine.

Cuộc bỏ phiếu trên diễn ra vài giờ sau khi một tòa án của Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết loại Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố của EU vì những lý do về thủ tục.

Tuy nhiên, bất chấp phán quyết này, EU tuyên bố vẫn coi Hamas là một tổ chức khủng bố.

Người phát ngôn của EC Maja Kocijancic cho biết EU sẽ cân nhắc biện pháp phản ứng lại đối với phán quyết của tòa án nói trên, bao gồm cả khả năng kháng án.

Tòa án của EU, có trụ sở tại Luxembourg, cho rằng việc EU liệt Hamas vào danh sách khủng bố chỉ dựa trên các báo cáo của truyền thông và Internet, mà không phải từ các hành động được xác minh hay quyết định xác nhận của giới chức có thẩm quyền.

Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine bị EU liệt vào danh sách khủng bố từ năm 2001 trong khi Hamas luôn phản đối điều này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục