Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu muốn cải thiện quan hệ với Đức

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Der Spiegel (Tấm gương) số ra ngày 7/10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã bày tỏ mong muốn bình thường hóa mối quan hệ đang trong tình trạng căng thẳng
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu muốn cải thiện quan hệ với Đức ảnh 1Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Der Spiegel (Tấm gương) số ra ngày 7/10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã bày tỏ mong muốn bình thường hóa mối quan hệ đang trong tình trạng căng thẳng với Đức.

Ông Cavusoglu nhấn mạnh: "Không có lý do gì cho những vấn đề tồn tại Đức và Thổ Nhĩ Kỳ."

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông cũng đang lên phương hướng để hợp tác với Ngoại trưởng tương lai mới của Đức có thể là ông Cem Özdemir, Chủ tịch đảng Xanh, một người Đức gốc Thổ.

[Đức phong tỏa tất cả số vũ khí chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ]

Mặc dù xuống giọng trong quan hệ với Đức nhưng Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bảo vệ các tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Tayyip Erdogan khi ông này so sánh Đức như chế độ Đức Quốc xã và cho rằng "Chính phủ Đức phải học cách tôn trọng Thổ Nhĩ Kỳ."

Ngoài ra, ông Cavusogle nhấn mạnh đến sự độc lập của ngành tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp Deniz Yücel - một phóng viên người Đức gốc Thổ của báo die Welt bị chính quyền nước này bắt giữ vào tháng ​Hai năm nay.

Phát biểu của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh tuần trước, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cũng đã có phát biểu đề cập đến việc khắc phục những mâu thuẫn căng thẳng trong quan hệ giữa Ankara và Berlin.

Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là 2 quốc gia đồng minh gần gũi trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt kể từ khi Berlin chỉ trích mạnh mẽ Ankara về cách nước này giải quyết vụ đảo chính bất thành hồi giữa năm 2016 cũng như các vấn đề liên quan đến người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và khôi phục án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, vụ bắt giữ các nhà báo và công dân Đức với cáo buộc tuyên truyền khủng bố và việc chính quyền Ankara từ chối cho phép các nghị sỹ Đức đến thăm binh lính đóng quân tại các căn cứ không quân Incirlik và Konya ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang khi ngày 18/8 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi toàn bộ người gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) của Thủ tướng Merkel, đảng Dân chủ Xã hội (SDP), hay đảng Xanh và cho rằng đây là "kẻ thù của Ankara."

Đáp lại, ngày 3/9 vừa qua, Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ ngừng các cuộc đàm phán của Đức và EU về việc xem xét Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục