Syria bác bỏ kế hoạch của Liên hợp quốc về ủy ban hiến pháp

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura cho biết Syria từ chối thành phần của ủy ban do Liên hợp quốc khởi xướng để xây dựng hiến pháp mới.
Syria bác bỏ kế hoạch của Liên hợp quốc về ủy ban hiến pháp ảnh 1Đặc phái viên Liên hợp quốc  tại Syria Staffan de Mistura. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 26/10, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura phát biểu trước Hội đồng Bảo an cho rằng Damascus từ chối thành phần của ủy ban do Liên hợp quốc khởi xướng để xây dựng hiến pháp mới.

Đặc phái viên Liên hợp quốc Staffan de Mistura, người sẽ từ chức vào tháng 11 tới, cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid Muallem đã bác bỏ một yếu tố trung tâm của ủy ban, mà Liên hợp quốc hy vọng có thể làm cơ sở để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 7 năm.

Đặc phái viên đã làm việc kể từ tháng 1/2018 về việc thành lập một ủy ban để xây dựng được một hiến pháp mới và có 150 thành viên, gồm 50 người do chính phủ Syria đề xuất, 50 người của phe đối lập và 50 người của Liên hợp quốc, bao gồm đại diện của xã hội dân sự và chuyên gia kỹ thuật.

[Syria: Soạn thảo hiến pháp là vấn đề mang tính chủ quyền]

Ông Mistura cho biết thêm danh sách cuối cùng của các thành viên được Liên hợp quốc đề xuất đã bị Chính phủ Syria từ chối trong các cuộc đàm phán vào hôm 24/10.

"Ông Walid Muallem đã không chấp nhận vai trò của Liên hợp quốc trong việc xác định hoặc lựa chọn danh sách thứ ba", nhà ngoại giao Italy-Thụy Điển phát biểu trước Hội đồng Bảo an thông qua hội nghị trực tuyến trong một phiên họp do Mỹ đề nghị.

"Thay vào đó, ông Muallem chỉ ra rằng chính phủ Syria và Nga đã đồng ý gần đây rằng ba nước bảo trợ thỏa thuận hòa đàm Astana (Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ) và chính phủ Syria sẽ tham vấn trong số họ để chuẩn bị một đề xuất liên quan đến danh sách thứ ba," ông De Mistura cho biết thêm.

Trong khi đó, phát biểu hôm 26/10 trước Hội đồng Bảo an, Đại diện thường trực Syria tại Liên hợp quốc Bashar Jaafari đe dọa rằng Chính phủ Syria sẽ chiếm lại tỉnh Idlib, thành trì nổi loạn cuối cùng và là nơi có khu vực đệm phi quân sự được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục