Tây Ban Nha mở rộng khu phong tỏa, Đức cảnh báo tái bùng phát dịch

Biện pháp hạn chế đi lại tại Madrid được mở rộng tới các khu vực có khoảng 167.000 người sinh sống; trong khi đó Thủ tướng Merkel quan ngại sâu sắc khi số ca nhiễm COVID-19 đang tăng mạnh tại Đức.
Tây Ban Nha mở rộng khu phong tỏa, Đức cảnh báo tái bùng phát dịch ảnh 1Người dân Tây Ban Nha trên đường phố. (Nguồn: aa.com.tr)

Ngày 28/9, thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã mở rộng các vùng phong tỏa để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Kể từ 0h ngày 28/9, biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng tới các khu vực có khoảng 167.000 người sinh sống. Người dân chỉ được ra khỏi khu dân cư để đi làm, đi học và khám chữa bệnh nhưng không bị hạn chế trong nhà và vẫn được đi lại tự do trong khu dân cư. Cảnh sát được phép kiểm tra ngẫu nhiên người dân trên đường để đảm bảo tuân thủ các quy định mới.

Như vậy, cùng với 850.000 người đang thực hiện các biện pháp hạn chế từ tuần trước, tới nay tổng số người dân tại Madrid chịu quy định hạn chế mới là hơn 1 triệu người, trên tổng số 6,6 triệu dân trên toàn khu vực. Các khu dân cư bị hạn chế là những vùng dân lao động ở ngoại ô phía Nam của Madrid.

Kể từ khi chính quyền trung ương chấm dứt tình trạng khẩn cấp hôm 21/6 vừa qua, trách nhiệm thực hiện các biện pháp đảm bảo y tế cộng đồng và ứng phó dịch bệnh được chuyển giao cho chính quyền các vùng.

Tuy nhiên, chính quyền trung ương cho rằng các biện pháp mà Madrid áp dụng chưa đủ quyết liệt và không loại trừ khả năng can thiệp nếu chính quyền thành phố không tăng cường hạn chế.

Thành phố Madrid và các vùng phụ cận đang là tâm dịch của làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Tây Ban Nha. Trong tuần qua, nước này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất tại Liên minh châu Âu (EU), với tỷ lệ gần 300 ca/100.000 người dân. Riêng tại vùng thủ đô Madrid, tỷ lệ này hiện là hơn 700 ca/100.000 người dân. Tới nay quốc gia này ghi nhận hơn 700.000 ca bệnh, cao nhất tại EU, trong đó có hơn 31.000 ca tử vong.

[Thế giới ghi nhận hơn 1 triệu ca tử vong, gần 25 triệu ca bình phục]

Trong khi đó, tại Đức, cùng ngày, Thủ tướng nước này Angela Merkel đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 đang tăng mạnh trong nước. Bà đồng thời kêu gọi người dân nghiêm túc tuân thủ các biện pháp đảm bảo vệ sinh nghiêm ngặt nếu các quy định về giãn cách xã hội không thể được duy trì.

Phát biểu trong cuộc họp ban lãnh đạo đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Thủ tướng Merkel khẳng định sự gia tăng các ca nhiễm bệnh trong thời gian qua đang là mối quan tâm lớn của Chính phủ Đức.

Bà một lần nữa cảnh báo số ca nhiễm mới, đang ở mức khoảng 2.000 ca/ngày, có thể tăng vọt lên hơn 19.000 ca/ngày vào dịp Giáng sinh tới nếu tình hình vẫn tiếp diễn theo xu hướng này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch, Chính phủ Đức cũng sẽ ưu tiên một số lĩnh vực để duy trì sự vận hành của nền kinh tế cũng như tiếp tục mở cửa các trường học và nhà trẻ.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ Đức cũng lưu ý rằng các bữa tiệc, các sự kiện tổ chức ở nhà hàng và sự kiện tôn giáo được xem là những vấn đề đáng quan tâm và lo ngại, bởi đây được là những nơi có nguy cơ dễ lây nhiễm cao.

Những cảnh báo trên được Thủ tướng Merkel đưa ra một ngày trước khi bà tiến hành một hội nghị trực tuyến với thủ hiến các bang ở Đức để cùng thảo luận và quyết định các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế số ca lây nhiễm COVID-19 mới.

Sau nhiều tuần thực hiện các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt kể từ khi dịch bệnh bùng phát, trong đó có quy định đóng các cửa hàng cũng như giới hạn số lượng người gặp gỡ tại khu vực công cộng, số ca nhiễm mới đã giảm nhiều so với mức đỉnh điểm khoảng 6.000 trường hợp/ngày.

Tuy nhiên, kể từ khi nới lỏng các quy định về giãn cách xã cùng với việc các hoạt động du lịch được nối lại, đặc biệt là trong kỳ nghỉ Hè, đến nay số ca nhiễm mới ở Đức đã tăng trở lại một cách nhanh chóng. Hôm 26/9, cả nước Đức đã ghi nhận hơn 2.500 ca nhiễm bệnh/ngày, mức cao nhất kể từ tháng Tư vừa qua.

Tây Ban Nha mở rộng khu phong tỏa, Đức cảnh báo tái bùng phát dịch ảnh 2Người dân tại một quán càphê ở Berlin, Đức. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tại Anh, theo một phân tích mới do Chủ tịch Học viện Nhi khoa và sức khỏe trẻ em Hoàng gia Anh Russell Viner chỉ đạo thực hiện, so với người trưởng thành, nguy cơ trẻ em mắc bệnh COVID-19 thấp hơn tới 44%.

Kết quả phân tích thông qua tổng hợp và đánh giá 32 nghiên cứu chỉ ra nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ phát ở trẻ em và người trưởng thành dưới 20 tuổi thấp hơn 44% so với người lớn trên 20 tuổi.

Phân tích nêu rõ có bằng chứng sơ bộ cho thấy những trẻ dưới 10 tuổi ít nhạy cảm hơn với virus SARS-CoV-2 so trẻ vị thành niên và người trưởng thành.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết chính phủ nước này không có kế hoạch tái ban bố biện pháp phong tỏa trên toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh.

Theo thống kê của worldometers.info, hiện Pháp ghi nhận tổng cộng 538.569 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 31.727 ca tử vong, đứng thứ hai tại EU, sau Tây Ban Nha.

Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên chứng kiến số ca mắc mới gia tăng trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai tại châu Âu. Hiện mỗi ngày quốc gia này đều ghi nhận trung bình hơn 10.000 ca mắc mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục