Ngày 5/8/1964 trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước đánh dấu chiến thắng đáng nhớ của lực lượng phòng không và hải quân Việt Nam non trẻ khi trong một ngày hạ 8 máy bay địch, lần đầu tiên bắt sống phi công địch.
Trong chiến công đó không thể không kể đến công lao và sự đóng góp của các chuyên gia quân sự Liên Xô, những người đã đồng hành với lực lượng phòng không-không quân Việt Nam trong những bước đi đầu tiên ở buổi đầu thành lập. Đó là lý do ngày 5/8 được chọn là ngày gặp mặt và tri ân các chuyên gia Liên Xô nói chung, chuyên gia quân sự nói riêng tại Liên bang Nga.
Buổi gặp mặt do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức có sự hiện diện của đại diện Bộ Ngoại giao Nga, Quỹ Hoà bình Liên Xô; các hội đoàn người Việt. Quỹ thúc đẩy hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và Hữu nghị” đã góp phần tích cực cho sự kiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” này, thể hiện tình hữu nghị thủy chung của Việt Nam với những người bạn Liên Xô năm xưa và Liên bang Nga ngày nay.
Tại buổi lễ, toàn thể những người tham dự đã dành một phút im lặng để tưởng nhớ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người góp phần quan trọng xây đắp quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga và rất được kính trọng tại xứ sở Bạch Dương.
Phát biểu chào mừng các cựu chuyên gia hầu hết đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi bày tỏ vinh dự và niềm vui chân thành được đón tiếp các chuyên gia tại Đại sứ quán.
Đại sứ khẳng định rằng nhân dân Việt Nam luôn biết ơn sâu sắc những sự giúp đỡ vô tư, không vụ lợi và hiệu quả trong những năm tháng chiến tranh bảo vệ độc lập và xây dựng đất nước.
Hàng nghìn chuyên gia Liên Xô đã kề vai sát cánh với quân và dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Đến thời bình biết bao chuyên gia dân sự lại tiếp bước các chuyên gia quân sự năm xưa, chung tay khôi phục đất nước Việt Nam từ những tàn phá của chiến tranh.
Thay mặt Đảng, nhà nước và toàn thể nhân dân, Đại sứ Đặng Minh Khôi trân trọng bày tỏ lòng tri ân chân thành vì những đóng góp to lớn của các chuyên gia vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất Việt Nam. Ngày nay tình hữu nghị và niềm tin cậy giữa hai đất nước, hai dân tộc, vẫn luôn vững bền và ngày một phát triển bất chấp thử thách của thời cuộc, đơm hoa kết trái ở tất cả các lĩnh vực hợp tác, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.
Mối quan hệ ấy đang bước vào một giai đoạn phát triển mới sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 6 vừa qua, sau những chia sẻ thân tình của lãnh đạo Nga với mất mát của Đảng và nhân dân Việt Nam cũng như những quyết tâm hợp tác hiệu quả và thành công với lãnh đạo mới của Việt Nam.
Thay mặt gần 50 chuyên gia các lĩnh vực nói chung và các chuyên gia quân sự nói riêng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga từng công tác tại Việt Nam Nikolai Kolesnik nói lên niềm xúc động trước sự quan tâm thăm hỏi cũng như tình cảm tốt đẹp mà các bạn Việt Nam luôn dành cho “những người đồng chí già."
Ôn lại những trang ký ức về những khó khăn, gian khổ thời chiến, niềm vui mừng trước những thay da đổi thịt đến sững sờ trên đất nước Việt Nam mà ông được chứng kiến qua những chuyến quay lại “chiến trường xưa” sau này.
Ông Kolesnik cảm nhận rõ kết quả xứng đáng mà nhân dân Việt Nam giành được bằng nỗ lực, bằng quyết tâm, bằng tình yêu hòa bình, và bằng những tình cảm trân quý với mọi sự giúp đỡ, ủng hộ quốc tế.
Bà Svetlana Golikova, người trong những năm 1970-1971 có nhiệm vụ thu thập và chuyển giao thông tin nhu cầu của Việt Nam về Liên Xô để kịp thời tổ chức hỗ trợ và hơn ai hết bà thấu hiểu hết những khó khăn của Việt Nam lúc bấy giờ. Vì vậy khi chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Liên bang Nga, bà không giấu sự thán phục trước sự hồi sinh của đất nước Việt Nam.
Bà nói bà đã yêu Việt Nam một lần khi đất nước còn bom đạn, và khi quay lại thời hoà bình, bà vẫn không thể không yêu thêm đất nước ấy một lần nữa.
Bà Golikova nói: “Năm 2012 tôi được mời đến thăm Việt Nam một lần nữa. Và tôi đã sửng sốt trước tốc độ hồi sinh của đất nước đã từng bị tàn phá đến như thế. Đúng là như trong cổ tích. Việt Nam có những thành phố rất đẹp, Hà Nội, Hồ Chí Minh. Con người các bạn cũng rất đẹp và tốt bụng."
Bà Liubov Ratsvetkova còn nhớ rõ cảnh báo động giữa đêm khuya vào năm 1967 tại Hà Nội, song 40 năm sau khi quay trở lại bà đã không còn nhận ra thành phố Hà Nội năm xưa.
Bà Liubov Ratsvetkova bày tỏ: “Các bạn thật giỏi, giỏi vì các bạn yêu đất nước mình. Sau Việt Nam tôi có đến các nước khác, song Việt Nam vĩnh viễn trong trái tim tôi."
Đất nước bị chiến tranh tàn phá đã hồi sinh, đã phát triển mạnh mẽ, đạt những thành tựu chính trị, kinh tế đáng nể, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, và những chuyên gia năm xưa đã kịp nhìn thấy thành quả lao động của cả một dân tộc, trong đó có phần đóng góp, kể cả xương máu của chính họ. Dù đã từ Việt Nam trở về nhiều năm trước, song các chuyên gia quân sự, xây dựng, giáo dục, y tế...
Liên Xô và Nga chưa từng cảm thấy xa đất nước châu Á nhỏ bé, một phần vì vẫn luôn cảm nhận được những tình cảm bạn bè thân quý ngay trên quê hương mình, để mỗi khi có dịp gắn lên áo chiếc huy chương Hữu nghị như bằng chứng về một sự cống hiến vô tư, chí tình và được đáp lại xứng đáng. Trong số các chuyên gia ngày ấy đã nhiều người không còn trong cuộc gặp hôm nay, song tên họ vẫn luôn được nhắc đến.
Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh giáo dục thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa của tình hữu nghị Việt-Nga cũng như giá trị của tình đoàn kết quốc tế là nhiệm vụ mà hai nước cần nỗ lực hợp tác./.