Bài 3: Giá trị của tiền lẻ và cách dùng thể hiện "đẳng cấp văn hóa"

Để thay đổi thói đổi tiền lẻ là một công việc bền bỉ, lâu dài, tuy nhiên muốn vậy thì trước tiên mỗi người dân cần phải thay đổi nhận thức của chính mình.
Bài 3: Giá trị của tiền lẻ và cách dùng thể hiện "đẳng cấp văn hóa" ảnh 1Trước cửa đền Trần - Nam Định. (Nguồn: TTXVN)

Việc đặt tiền hay công đức khi đi lễ hội là một nét văn hóa lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, văn hóa này đang bị biến tướng thành hành động "rải" tiền lẻ ở mọi nơi trong khuôn viên di tích. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn làm ảnh hưởng tới hình ảnh đồng tiền và văn hóa của Việt Nam.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhu cầu tiền lì xì, tiền đi lễ thường tập trung vào mệnh giá 20.000 đồng trở xuống nhưng chỉ sau mấy ngày Tết lại được trả ngược lại ngân hàng vì trong năm người dân chỉ muốn nhận tiền mệnh giá lớn cho dễ giao dịch.

Phó Thống đốc phân tích, nếu mọi người cùng đổi tiền trong một thời gian ngắn để sử dụng trong ngày Tết thì nhu cầu tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ tăng đột biến, tạo áp lực rất lớn đối với cơ quan phát hành và hệ thống ngân hàng.

Khi Tết qua đi sẽ tạo ra sự “dư thừa” và mất cân đối lớn về cơ cấu mệnh giá, ảnh hưởng đến công tác điều hòa lưu thông tiền mặt của hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước. Do đó Ngân hàng Nhà nước phải chủ động điều hòa nhu cầu Tết và cơ cấu tiền mặt để hạn chế những tác động bất lợi này đối với lưu thông tiền tệ.

Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương không phát hành tiền mới, mệnh giá nhỏ dịp Tết Nguyên đán và chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân.

[Áp lực đổi tiền: Vợ chồng bất hòa, đồng nghiệp giận dỗi]

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, từ năm 2013, cơ quan này thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán đã góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam đồng thời tiết kiệm chi phí xã hội và nhận được sự đồng thuận của người dân.

Theo tính toán của Ngân hàng nhà nước, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết năm nay dự kiến sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến khoảng gần 2.200 tỷ đồng.

Như vậy, 5 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết, chẳng hạn năm 2013 không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, tiết giảm được 95 tỷ đồng; năm 2014 không in tiền mới mệnh giá 500-1.000-2.000 đồng tiết kiệm được 409 tỷ đồng; năm 2015 không in thêm tiền 5.000 đồng tiết kiệm được 580 tỷ đồng; năm 2016 tiết kiệm được 416 tỷ đồng; năm 2017 con số này là 375 tỷ đồng và năm 2018 dự kiến tiết kiệm được 280 tỷ đồng.

"Chúng tôi làm việc này nhằm tránh tình trạng nhu cầu tăng cục bộ dịp trước Tết Nguyên đán của người dân cho việc đi rải khắp các chùa chiền, gây phản cảm cũng như rối loạn lưu thông tiền tệ," lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Bài 3: Giá trị của tiền lẻ và cách dùng thể hiện "đẳng cấp văn hóa" ảnh 2(Đồ họa: Thanh Trà/Vietnam+)

Trả lời về câu hỏi về việc Ngân hàng Nhà nước thông tin không in tiền mệnh giá nhỏ nhưng ngoài thị trường vẫn có nhiều cọc tiền mới nguyên seri, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, số tiền đó là do tồn lại của nhiều năm trước nên mỗi năm Ngân hàng Nhà nước vẫn cân đối để đưa ra ngoài thị trường đủ các mệnh giá, tuy nhiên số lượng có hạn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, số tiền tiết giảm này có ý nghĩa rất lớn vì nước ta còn khó khăn, nhiều gia đình còn nghèo. Số tiền này mà phục vụ vào những mục đích xã hội như xây dựng trường học, xây cầu thì rất có ý nghĩa.

Bình luận về việc nhiều người dân đổi tiền mệnh giá nhỏ để đi lễ chùa, ông Phong cho rằng, mỗi người dân cần phải ý thức được rằng đi lễ chùa là một nét văn hoá đẹp nhưng nó sẽ đẹp hơn khi chúng ta ý thức được hành vi của mình. Đổi tiền lẻ đi lễ chùa vừa mất phí vừa làm vất vả nhà chùa khi phải đếm tiền và đổi tiền, chỉ nên đặt ở ban chính là được rồi. Đây là một thói quen cần được thay đổi.

Từ trước đến nay, việc đổi và sử dụng tiền lẻ để đi lễ bái tại đền, chùa mỗi dịp Tết Nguyên đán đã trở thành thói quen khó bỏ, ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng Ban quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh chia sẻ về khách đặt giọt dầu tại đền

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng Ban quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh cho biết, những năm gần đây, việc này đã được ban quản lý cấm triệt để trong phạm vi nội tự của đền.

Theo Ban quản lý di tích, tính đến thời điểm này, người dân đã vẫn còn thói quen đặt tiền lẻ ở khắp các ban khi khấn vái trong khi nên đóng góp vào hòm hoặc ghi nhận phiếu công đức mà vẫn đảm bảo ý nghĩa tâm linh. So với trước tiền lẻ đặt tại đền giảm hơn nhiều, nhà đền cũng đã sắp xếp vị trí hòm giọt dầu để khách về lễ đền được thuận lợi hơn.

Ông Lập chia sẻ: “Chúng tôi tuyên truyền với khách về lễ đền. Việc tâm linh, thờ cúng của các cá nhân để đồng tiền ở nơi hợp lý và mang đầy đủ ý nghĩa tâm linh chứ không nhất thiết phải nhiều tiền lẻ. Tiền lẻ đặt trên ban là tiềm thức của người đi lễ. Chúng tôi cũng chỉ biết nhắc nhở và tuyên truyền để hạn chế việc đặt tiền lẻ cho hợp lý hơn vào dịp Tết thôi.”

Bà Đào Thị Phượng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bắc Ninh cho biết, từ thực tế cho thấy việc không phát hành tiền lẻ mới in vào dịp Tết Nguyên đán nhận được sự đồng thuận cao của xã hội với ngành ngân hàng. Trong những năm gần đây, nhận được sự ủng hộ của các cấp, ngành thì người dân cũng hiểu thêm về việc không dùng tiền lẻ khi đi lễ hội, đền chùa.

Cũng theo bà Phượng, trước đây thì cứ dịp sau Tết, lượng tiền mệnh giá nhỏ từ các đền chùa được đưa về ngân hàng để đổi sang tiền mệnh giá lớn rất nhiều, nhưng những năm gần đây thì hầu như không có hoặc có nhưng ít vì người dân còn để ở ngoài lưu thông.

Thực tế, muốn loại bỏ thói quen sử dụng tiền lẻ khi đi lễ thì trước tiên cần phải thay đổi nhận thức của mỗi người. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen này là một công việc bền bỉ, lâu dài. Chỉ khi nào người dân hiểu được rằng, tiền lẻ cũng là một giá trị, cách sử dụng nó cần có văn hóa, đồng thời đến với thần thánh cần tấm lòng thành kính, thì khi đó những ứng xử phi văn hóa mới giảm bớt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục