Theo trang mạng eastasiaforum.org, chiến lược ngoại giao mềm của chính phủ mới ở New Zealand - do Thủ tướng Jacinda Ardern, người đã thể hiện tình bạn và lòng trắc ẩn trong cả năm 2018, năm đầu tiên bà lên nắm quyền, đề ra - cho đến nay vẫn chưa được sử dụng để thực hiện các thay đổi chiến lược. Năm 2018 là năm để chuẩn bị chứ không phải là năm đưa ra những sáng kiến.
Năm 2018 bắt đầu với một số động thái ngoại giao dồn dập để hiện thực hóa những lời cam kết trong chiến dịch bầu cử năm 2017 với thực tế hội nhập kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Thông qua nỗ lực này, New Zealand tiếp tục đi đầu trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và là một trong 6 nước ký CPTPP để văn kiện này có hiệu lực vào ngày 30/12/2018.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là CPTPP, bắt nguồn từ một sáng kiến mà New Zealand là một bên tham gia. Khi những nỗ lực của các bộ trưởng thương mại Singapore và New Zealand nhằm củng cố bản chất xuyên Thái Bình Dương của chiến lược ngoại giao kinh tế khu vực thất bại trong việc thu hút các mục tiêu chính là Mỹ và Australia, họ đã thay thế bằng một hiệp định tự do thương mại với Chile.
Với sự gia nhập của Brunei sau đó, hiệp định ba bên đã trở thành hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPSEP hay còn gọi là P4). Sau đó, Mỹ đã thông qua TPSEP như một công cụ tiện lợi cho trụ cột của mình đối với châu Á và sau đó, thỏa thuận này đã trở thành TPP do Mỹ lãnh đạo.
Khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản trở thành lãnh đạo trên thực tế của 11 thành viên TPP còn lại và CPTPP là kết quả cuối cùng. Bắt đầu như một sáng kiến để củng cố các thể chế xuyên Thái Bình Dương, hiệp định này đã trở thành một yếu tố của ngoại giao kinh tế Đông Á, mặc dù có sự tham gia của một số quốc gia Mỹ Latinh.
Bất chấp sự hoài nghi của một số người ủng hộ TPP tại Wellington rằng thỏa thuận sẽ tiếp tục sau khi Mỹ rút lui, không có thay đổi đáng kể nào trong chính sách của New Zealand trong quá trình chuyển đổi từ TPP sang CPTPP.
Chính phủ của bà Ardern cũng đang thể hiện tính liên tục trong cách tiếp cận của New Zealand đối với cuộc xung đột Mỹ-Trung. New Zealand tìm cách trở thành một tiếng nói độc lập, chỉ xem xét khi lợi ích của New Zealand bị đe dọa.
"Các lợi ích của New Zealand" theo cách nhìn nhận của chính quyền không phải lúc nào cũng giống như của các tổ chức hoạt động xã hội địa phương, và do đó những tuyên bố cả ủng hộ lẫn chỉ trích mạnh mẽ hơn đối với Mỹ là bình thường.
Tháng 7/2018, Chính phủ New Zealand đã đưa ra một tuyên bố an ninh quốc gia, trong đó có những từ ngữ chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông mạnh mẽ hơn so với phản ứng thông thường từ Wellington.
Vài tháng sau, vào tháng 11/2018, các cơ quan an ninh của New Zealand đã khuyến cáo rằng việc sử dụng các thiết bị của tập đoàn Huawei của Trung Quốc trong mạng truyền thông của New Zealand sẽ dẫn đến những hậu quả đối với an ninh quốc gia.
[New Zeland lập quỹ đầu tư "xanh" trị giá 100 triệu NZD]
Vấn đề này vẫn do các nhà cung cấp viễn thông quyết định. Sẽ là bất thường khi chính phủ không lắng nghe các khuyến nghị của các cơ quan an ninh của mình, nhưng việc khuyến khích chính phủ cởi mở sẽ tạo ra một số căng thẳng giữa tính bảo mật của các vấn đề an ninh và tính minh bạch của các quyết định thương mại.
Cuối cùng, danh tiếng chính trị của chính phủ dựa trên các vấn đề trong nước hơn là quốc tế. Chính phủ không có sẵn các sáng kiến được lên kế hoạch cẩn thận. Đây là một chính phủ liên hiệp gồm Công đảng (nắm vai trò lãnh đạo), đảng New Zealand trước tiên và đảng Xanh, có nghĩa là họ không thể phát triển một chính sách chặt chẽ để thuyết phục phe đối lập.
Ngay cả các ưu tiên của Thủ tướng về biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo đói ở trẻ em cho đến nay vẫn được giải quyết thông qua các câu hỏi thay vì các nghị quyết. Phần lớn phụ thuộc vào sự phát triển của Ngân sách 2019 - "Ngân sách thịnh vượng" trước tiên của New Zealand.
Những người ủng hộ chính phủ muốn kết quả và năm 2019 là năm cuối cùng còn lại trước khi chiến dịch bầu cử năm 2020 bắt đầu chi phối. Hoạch định chính sách thuận lợi là điều cốt lõi./.