Chính phủ Sudan cho biết sẽ cử một phái đoàn tới Cairo để thảo luận với giới chức Mỹ và Ai Cập trong ngày 19/8, tuy nhiên vẫn bỏ ngỏ khả năng tham gia đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài suốt 16 tháng qua.
Chính phủ do quân đội kiểm soát của Sudan từng tuyên bố sẽ không tham dự đàm phán hòa bình ở Thụy Sĩ trừ khi thỏa thuận đạt được trước đó ở Jeddah được thực thi. Đây là thỏa thuận được ký giữa Chính phủ Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) hồi tháng 5/2023.
Tuyên bố của Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp của Sudan nêu rõ đã đồng ý cử phái đoàn tới Cairo sau khi liên hệ với đặc phái viên của Mỹ và chính phủ Ai Cập, những người đóng vai trò quan sát viên trong đàm phán.
Tuy nhiên nội dung thảo luận sẽ chỉ giới hạn ở việc thực thi thỏa thuận Jeddah, trong đó có nội dung yêu cầu RSF rút khỏi các khu vực dân sự.
Chính phủ Sudan đã trình bày tầm nhìn về vấn đề này cùng nhiều chủ đề khác với các nhà trung gian Mỹ và Saudi Arabia, và việc đàm phán tiếp theo sẽ tùy thuộc vào phản hồi của các nhà trung gian này.
Các cuộc đàm phán ngừng bắn tại Sudan, được Mỹ bảo trợ, đã bắt đầu dưới hình thức họp kín tại Thụy Sĩ hôm 14/8 dù không có sự tham gia của đại diện Chính phủ Sudan.
Đàm phán do Saudi Arabia và Thụy Sĩ đồng tổ chức, và Liên minh châu Phi (AU), Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Liên hợp quốc đóng vai trò là nhóm điều hướng.
Trong khi RSF nhất trí tham gia các cuộc đàm phán thì Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) không hài lòng với định dạng đàm phán do Washington sắp xếp.
Đàm phán diễn ra trong bối cảnh Sudan đang hứng chịu một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 4/2023 giữa quân đội Chính phủ Sudan và RSF.
Đến nay, giao tranh đã khiến khoảng 20% dân số Sudan phải rời bỏ nhà cửa, trong khi hàng chục nghìn người đã thiệt mạng. Hơn 25 triệu người trên khắp đất nước - tương ứng hơn 50% dân số - đối mặt với nạn đói nghiêm trọng./.
RSF tấn công một ngôi làng ở miền Trung Sudan, ít nhất 80 người thiệt mạng
Theo một thông báo, cuộc tấn công xảy ra sau khi Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) định bắt cóc các cô gái của làng nhưng người dân chống cự, dẫn đến vụ thảm sát.