Chính phủ Thụy Điển đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Tất cả 349 thành viên của Quốc hội được triệu tập vào 10h ngày 21/6 (15h giờ Hà Nội) để bỏ phiếu cho bản kiến nghị bất tín nhiệm được đảng Dân chủ (SD) đệ trình hôm 17/6.
Chính phủ Thụy Điển đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ảnh 1Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Thụy Điển sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong ngày 21/6, sự kiện có thể dẫn tới một cuộc bầu cử sớm, chỉ 1 năm trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm 2022.

Dù các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 vẫn có hiệu lực, tất cả 349 thành viên của Quốc hội được triệu tập vào 10h (15h giờ Hà Nội) để bỏ phiếu cho bản kiến nghị bất tín nhiệm được đảng Dân chủ (SD) đệ trình hôm 17/6.

Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và đảng Ôn hòa bảo thủ bày tỏ sẽ ủng hộ động thái này. Bốn đảng này hiện có ghế trong Quốc hội, trong khi kiến nghị bất tín nhiệm sẽ được thông qua nếu có 175/349 nghị sỹ ủng hộ.

Ba kịch bản được đặt ra: Thủ tướng Stefan Lofven có thể từ chức hoặc kêu gọi bầu cử sớm, hoặc đạt một thỏa hiệp chính trị có thể cứu chính phủ thiểu số liên minh đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh vào phút cuối.

Nếu không được các nghị sỹ ủng hộ, ông Lofven có 1 tuần để kêu gọi bầu cử sớm hoặc từ chức - kịch bản sẽ cho phép Chủ tịch Quốc hội Andreas Norlen mở các cuộc đối thoại giữa các đảng phái để tìm một thủ tướng mới.

Nếu ông Lofven ra đi, đây sẽ là Thủ tướng Thụy Điển đầu tiên phải từ chức vì một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

[Từ chiến lược "ngược dòng" tới bước đi thận trọng của Thụy Điển]

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thụy Điển bắt nguồn từ một dự án hiện vẫn đang trong giai đoạn sơ bộ nhằm cải cách các biện pháp kiểm soát tiền thuê bất động sản và khả năng để ngỏ cho các chủ đất tự do ra giá tiền thuê với những căn hộ mới được xây dựng.

Kế hoạch này được xem là đi ngược lại với mô hình xã hội của Thụy Điển và gây bất lợi cho người đi thuê./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục