EU bước đầu nhất trí về kế hoạch mua chung đạn dược để hỗ trợ Ukraine

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu ngày 8/3 đã nhất trí tăng cường cung cấp đạn pháo và mua thêm đạn dược để hỗ trợ Ukraine, song vẫn phải tìm cách biến những mục tiêu này trở thành hiện thực.
EU bước đầu nhất trí về kế hoạch mua chung đạn dược để hỗ trợ Ukraine ảnh 1Pháp và Australia nhất trí hợp tác sản xuất hàng nghìn quả đạn pháo cỡ 155mm để hỗ trợ Ukraine. (Ảnh minh họa. Nguồn: Aa)

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/3 đã nhất trí tăng cường cung cấp đạn pháo và mua thêm đạn dược để hỗ trợ Ukraine, song vẫn phải tìm cách biến những mục tiêu này trở thành hiện thực.

Theo kế hoạch do Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell vạch ra, các quốc gia thành viên trong khối sẽ nhận được khoản ưu đãi tài chính trị giá 1 tỷ euro (1,06 tỷ USD) để gửi thêm đạn pháo tới Kiev, trong khi 1 tỷ euro khác sẽ được dành để tài trợ cho việc mua chung lô đạn pháo mới.

Phát biểu sau hội nghị không chính thức của các Bộ trưởng Quốc phòng EU tại Stockholm (Thụy Điển) với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, ông Borrell nêu rõ: “Đã có thỏa thuận chung về thủ tục này nhưng vẫn còn những câu hỏi đang chờ xử lý. Mọi thứ phải được thảo luận chi tiết.”

Ông hy vọng kế hoạch này sẽ được hoàn thiện tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU vào ngày 20/3 tới.

Trong khi đó, ông Reznikov đã kêu gọi những người đồng cấp EU ủng hộ kế hoạch của Estonia, theo đó, các quốc gia thành viên trong khối liên kết với nhau để mua 1 triệu quả đạn pháo cỡ 155 mm trong năm nay với chi phí 4 tỷ euro nhằm hỗ trợ quân đội Ukraine.

[Lãnh đạo Mỹ và Ukraine thảo luận về việc hỗ trợ quân đội Ukraine]

Mặc dù kế hoạch của ông Borrell có quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn sẽ là bước đi mang tính bước ngoặt đối với EU vì hoạt động mua sắm quốc phòng trước đây phần lớn chỉ dành cho các chính phủ thành viên riêng lẻ của khối.

Kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, EU đã cung cấp đạn pháo và vũ khí cho Kiev thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF). Tuy nhiên, gần đây, Ukraine sử dụng nhiều đạn pháo hơn số lượng mà nước này sản xuất hoặc nhận được từ các đồng minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục