Giới lập pháp Anh hối thúc tìm kiếm thỏa thuận thay thế JCPOA

Ủy ban Giám sát quan hệ đối ngoại của Quốc hội Anh cho rằng chính phủ nước này nên đề xuất một thỏa thuận thay thế cho JCPOA mà trong đó các vấn đề an ninh khu vực phải được giải quyết.
Giới lập pháp Anh hối thúc tìm kiếm thỏa thuận thay thế JCPOA ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Giám sát quan hệ đối ngoại của Quốc hội Anh Tom Tugendhat. (Ảnh: Kent Online)

Các nhà lập pháp Anh đã hối thúc chính phủ nước này thúc đẩy những nỗ lực quốc tế nhằm tìm kiếm thỏa thuận mới thay thế thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 và Iran được ký kết năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA).

Trong một báo cáo, Ủy ban Giám sát quan hệ đối ngoại của Quốc hội Anh cho biết JCPOA hiện chỉ còn là "lớp vỏ của một thỏa thuận" và "không thể sửa chữa."

Chủ tịch ủy ban trên, ông Tom Tugendhat, đánh giá: "Mặc dù có mục đích tốt, nhưng JCPOA là một thỏa thuận được xây dựng dựa trên các nền tảng yếu và do đó sự sụp đổ của nó dường như không thể tránh khỏi."

Ông Tugendhat cho rằng Chính phủ Anh nên đề xuất một thỏa thuận thay thế cho JCPOA mà trong đó các vấn đề an ninh khu vực phải được giải quyết. Theo quan chức này, các đồng minh của Anh tại Trung Đông, các nước châu Âu và chính quyền mới ở Mỹ cần phải có quan điểm tương đồng để đảm bảo một lựa chọn ngoại giao cho Iran.

[Iran tuyên bố sẵn sàng tái tuân thủ những cam kết hạt nhân]

Báo cáo của ủy ban trên cũng kêu gọi Chính phủ Anh xử lý cứng rắn hơn đối với "những hoạt động gây bất ổn trên quy mô ngày càng mở rộng" của Tehran trong khu vực.

Ủy ban này đề xuất một loạt biện pháp, trong đó bao gồm việc đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố như Mỹ đã thực hiện hồi năm ngoái.

Bên cạnh đó, các nhà lập pháp Anh cảnh báo Tehran không nên tùy tiện bắt giữ công dân nước ngoài cũng như những công dân mang hai quốc tịch. Theo ủy ban trên, cách tiếp cận hiện tại của Chính phủ Anh đối với vấn đề này "rõ ràng là không hiệu quả".

Mối quan hệ giữa London và Tehran đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, liên quan việc Iran bắt giữ một số công dân mang hai quốc tịch, trong đó nổi bật nhất là trường hợp của bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe.

Bà Zaghari-Ratcliffe là một phụ nữ Anh gốc Iran, từng làm việc cho Quỹ Thomson Reuters và đã bị giam giữ ở Tehran từ năm 2016. Chính quyền Iran tuyên phạt bà 5 năm tù giam về tội xúi giục nổi loạn - một tội danh mà bà luôn phủ nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục