Iran đồng ý tham gia 'họp chính trị và kỹ thuật' với IAEA

Mục đích của các cuộc họp sẽ là làm rõ nghi vấn mà IAEA đặt ra về khả năng từng có nhiên liệu hạt nhân tại các địa điểm chưa được công bố.
Iran đồng ý tham gia 'họp chính trị và kỹ thuật' với IAEA ảnh 1Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi (thứ 2, phải) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại Tehran, ngày 21/2/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong cuộc họp báo ngày 4/3, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi thông báo Iran đã đồng ý tham gia nỗ lực chung mang tính tập trung và có hệ thống nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề đáng chú ý.

Phát biểu với báo giới, ông Grossi cho biết tiến trình này dự kiến sẽ bắt đầu từ đầu tháng 4/2021 với các cuộc họp kỹ thuật tại Iran, tiếp đó sẽ là các cuộc họp chính trị và kỹ thuật khác.

Mục đích của các cuộc họp sẽ là làm rõ nghi vấn mà IAEA đặt ra về khả năng từng có nhiên liệu hạt nhân tại các địa điểm chưa được công bố.

Trong khi đó, theo nguồn tin ngoại giao Pháp, Iran đã phát ra tín hiệu tích cực đối với việc nối lại giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân và tổ chức các cuộc họp không chính thức.

[IAEA: Không nên lấy thanh sát hạt nhân làm công cụ đàm phán với Iran]

Trong một động thái được cho là dành thêm thời gian cho các nỗ lực ngoại giao, các nước châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran là Pháp, Anh và Đức đã hủy kế hoạch trình dự thảo nghị quyết chỉ trích việc Iran đình chỉ hoạt động thanh sát.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết, theo dự kiến ban đầu, dự thảo được Mỹ hậu thuẫn này sẽ được trình lên tại cuộc họp trong tuần này của ban giám đốc IAEA.

Phản ứng trước diễn biến mới này, Đại sứ Iran tại IAEA Kazem Gharib Abadi ngày 4/3 đăng trên Twitter rằng “qua các cuộc tham vấn ngoại giao tích cực, đã xuất hiện những tia hy vọng giúp ngăn chặn những căng thẳng không cần thiết."

Về phía Mỹ, ngày 4/3 Mỹ tuyên bố sẽ theo dõi sát sao vấn đề hạt nhân của Iran, đồng thời kêu gọi Tehran phối hợp với IAEA trong hoạt động thanh sát nhà máy hạt nhân của nước này.

Tuyên bố của Mỹ nêu rõ Iran cần làm rõ những quan ngại của IAEA về hạt urani được tìm thấy tại các cơ sở cũ và không được công khai của nước này trước cuộc họp của ban Giám đốc IAEA.

Mỹ khẳng định Washington sẽ xác định rõ quan điểm về những bước đi tiếp theo tùy theo hành động cụ thể của Iran nhằm tháo gỡ những quan ngại nói trên.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân.

Đầu tuần này, báo Vatan-e-Emrouz của Iran đưa tin Tehran đã tạm thời ngừng làm giàu urani theo quyết định của Tổng thống Hassan Rouhani. Chính phủ Iran chưa đưa ra bình luận về thông tin này.

Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Đức), Iran cam kết không làm giàu urani.

Tuy nhiên, Iran khẳng định nước này có quyền cắt giảm thực hiện cam kết trong thỏa thuận này sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Các nước còn lại trong thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Đức, Nga vẫn cố bảo vệ thỏa thuận trước nguy cơ đổ vỡ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục