Iran khẳng định trách nhiệm đối với an ninh vùng Vịnh

Thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani tuyên bố Tehran chịu trách nhiệm đối với an ninh vùng Vịnh và kêu gọi các lực lượng Mỹ rời khỏi khu vực.
Iran khẳng định trách nhiệm đối với an ninh vùng Vịnh ảnh 1Thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani. (Nguồn: almanar.com)

Ngày 17/6, một quan chức an ninh cấp cao Iran nói rằng Tehran chịu trách nhiệm đối với an ninh vùng Vịnh và kêu gọi các lực lượng Mỹ rời khỏi khu vực.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tăng cao sau khi xảy ra những vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman hôm 13/6 vừa qua.

Hãng truyền thông Irib dẫn phát biểu của ông Ali Shamkhani, Thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia Tối cao Iran nêu rõ: “Chúng tôi luôn luôn nói rằng, chúng tôi đảm bảo an ninh ở vịnh Persian và Eo biển Hormuz. Chúng tôi nhắc lại quan điểm của mình và kêu gọi các lực lượng Mỹ chấm dứt sự hiện diện trong khu vực bởi họ là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng và bất ổn.”

[Iran sẽ bỏ qua những hạn chế về dự trữ urani theo JCPOA]

Cùng ngày, cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad khẳng định, Tehran cần dựa vào tiềm năng quốc gia để kháng cự sức ép của Washington.

Ông Ahmadinejad nhấn mạnh: "Iran rất giàu có. Nếu chúng ta dựa vào chính sức mạnh của người dân và tài sản quốc gia, các biện pháp trừng phạt sẽ vô ích. Khi đó Mỹ sẽ không có cách nào áp đặt sức ép với Iran.”

Khi được hỏi Nga và Trung Quốc giúp Iran thế nào để đối phó với sức ép của Mỹ, cựu Tổng thống Iran cho rằng điều quan trọng không kém là nước Cộng hòa Hồi giáo cần hợp tác với các đối tác nước ngoài, trong đó có Nga.

Ông Ahmadinejad cho hay: "Chúng ta cần kết bạn và hợp tác với thế giới, và chúng tôi xem Nga là người bạn tốt. Tuy nhiên chiến lược là cần dựa trên nguồn lực của chính mình, sức mạnh quốc gia, người dân, tài sản và năng lực quốc gia.”

Mối quan hệ giữa Iran và Mỹ xuống dốc nghiêm trọng sau khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng Năm năm ngoái rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân quốc tế mà Iran ký với Nhóm P5+1 (5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) năm 2015.

Sau đó, Washington áp đặt bổ sung nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Iran hôm 8/5 vừa qua tuyên bố giảm bớt một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, và ra thời hạn 2 tháng buộc châu Âu đảm bảo lợi ích của Iran trong khuôn khổ thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục