Theo tờ Financial Times của Anh, cơ hội để Thủ tướng Anh Boris Johnson hoàn tất một thỏa thuận Brexit tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 17-18/10 đang ngày càng nhỏ đi nên sự chú ý đang hướng vào việc liệu ông có thể đưa nước Anh ra khỏi EU mà cần có thỏa thuận hay không.
Ông Johnson khẳng định Anh phải rời EU vào ngày 31/10, thỏa thuận hoặc không thỏa thuận, nhưng các nghị sỹ hồi tháng trước đã thông qua một đạo luật nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận vào ngày Halloween.
Các nghị sỹ ủng hộ đạo luật có tên gọi là Benn - được đặt theo tên của Nghị sỹ Công đảng Hilary Benn - tin tưởng ông Johnson sẽ phải tuân thủ bộ luật này, nhưng chính phủ lại đưa ra những thông điệp trái ngược nhau về những gì thủ tướng sẽ làm.
[Trở ngại lớn nhất đối với tiến trình Anh rời khỏi EU]
Trong thư gửi một tòa án Scotland vào tuần trước, chính phủ Anh tuyên bố rằng Thủ tướng Johnson sẽ tuân thủ Đạo luật Benn - đạo luật yêu cầu Thủ tướng phải gửi thư xin EU gia hạn Brexit nếu đến ngày 19/10 Quốc hội Anh không thông qua một thỏa thuận hoặc không chấp thuận việc ra đi không thỏa thuận.
Quan điểm này của chính phủ đã được xác nhận vào ngày 7/10 khi Tòa án ở Edinburgh bác yêu cầu của các nhà vận động chống Brexit buộc ông Johnson phải tuân thủ bộ luật Benn, có thể là thông qua các biện pháp trừng phạt, với lý do không cần thiết vì chính phủ đã chấp nhận “tuân thủ hoàn toàn” bộ luật Benn và không tìm cách “vô hiệu hóa” bộ luật này.
Tuy nhiên, một quan chức chính phủ cấp cao lại nói với các phóng viên của tờ Sunday rằng bộ luật có thể bị bỏ qua.
Quan chức này nói “Bộ luật và những tác giả của bộ luật đang làm suy yếu các cuộc đàm phán, nhưng nếu các nhà lãnh đạo EU đang đặt cược rằng bộ luật sẽ ngăn chặn việc không có thỏa thuận, đó sẽ là một sự hiểu lầm lịch sử."
Vậy liệu ông Johnson có thể không tuân thủ bộ luật chống Brexit không thỏa thuận? Có rất nhiều tranh luận chưa có hồi kết về vấn đề này.
Những người tìm kiếm những kẽ hở của Đạo luật Benn gợi ý ông Johnson có thể gạt bộ luật này sang một bên bằng cách viện dẫn luật pháp về các tình huống dân sự bất ngờ.
Một số người khác thì cho rằng ông Johnson có thể đảo ngược bộ luật Benn thông qua một công cụ hành pháp như một “lệnh của hội đồng” hoặc ông có thể gửi một văn bản yêu cầu EU trì hoãn Brexit kèm theo một văn bản khác nói rõ rằng ông không muốn trì hoãn.
Các chuyên gia pháp lý thì loại bỏ các thủ đoạn trên vì cho rằng chúng không hiệu quả.
Liệu có một quốc gia thành viên EU nào giúp ông Johnson thực hiện Brexit không thỏa thuận? Bất kỳ sự gia hạn Điều 50 nào cũng cần phải được sự thông qua của 27 quốc gia thành viên EU khác, nhưng thật khó tìm thấy lý do họ từ chối việc gia hạn.
EU đã liên tục tuyên bố sẽ đồng ý gia hạn nếu có một sự kiện chính trị rõ ràng ở Anh, như tổng tuyển cử hoặc cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit.
Vì ông Johnson và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đều cam kết tổng tuyển cử, nên một yêu cầu gia hạn với lý do tổ chức bầu cử nhiều khả năng sẽ được EU-27 chấp thuận.
Một số nghị sỹ tại Westminster thì tự hỏi rằng liệu một nhà lãnh đạo EU phi đảng phái, chẳng hạn như Viktor Orban của Hungary, có thể phủ quyết việc tiếp tục gia hạn Brexit hay không.
Người phát ngôn của chính phủ Hungary, hôm 7/10, cho biết chính phủ Hungary chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến việc gia hạn Brexit nên không có lý do gì để suy đoán.
Maddy Thimont-Jack đến từ Viện chính phủ thì cho rằng “Đối với tất cả các quốc gia EU, có nhiều vấn đề lớn hơn phía trước, như đàm phán ngân sách của EU. Họ sẽ không muốn làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại đến cơ hội của họ trong quá trình này- hoặc có nguy cơ gây khó chịu cho các quốc gia lớn như Pháp và Đức."
Vậy ý định cuối cùng của ông Johnson là gì? Ông Johnson dường như đã cho phép các cố vấn của mình thực hiện cách tiếp cận nước đôi.
Một mặt, có một đội ngũ ở Phố Downing tập trung quanh tổng tham mưu trưởng Eddie Lister muốn tuân thủ luật pháp, bao gồm Đạo luật Benn và phán quyết của Tòa án Tối cao gần đây rằng việc ông Johnson "treo" Quốc hội là bất hợp pháp.
Mặt khác, có một nhóm đứng đầu là Dominic Cummings, cố vấn trưởng của ông Johnson, muốn gây ấn tượng càng nhiều càng tốt rằng thủ tướng đang bị ép buộc yêu cầu gia hạn Brexit, trái với mong muốn của thủ tướng.
Ông Johnson đang chuẩn bị cho một cuộc bầu cử vào mùa Thu này, và nếu ông chưa hoàn thành cam kết “làm hay chết” trong việc đưa nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10, ông phải đổ lỗi điều này cho “tầng lớp tinh túy của những người ủng hộ Ở lại,” bao gồm cả Quốc hội và Tòa án, nếu đảng Bảo thủ muốn cố gắng loại bỏ mối đe dọa từ đảng Brexit của ông Nigel Farage.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng không có nghi ngờ gì, bằng cách này hay cách khác, Phố Downing sẽ tuân thủ Đạo luật Benn.
Catherine Barnard, thuộc trung tâm nghiên cứu Nước Anh trong một châu Âu đang thay đổi, nhận định: “Tôi nghĩ rằng Đạo luật Benn khá kín kẽ. Nhiều người đã nghĩ cách để lách nó, nhưng nó đã được soạn thảo bởi những người nghiêm túc”./.