Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Chính phủ Syria

Mỹ chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 39 cá nhân và các thực thể của Syria, trong đó có cả Tổng thống Bashar al-Assad nhằm siết chặt nguồn thu của Syria.
Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Chính phủ Syria ảnh 1Tổng thống Syria Bashar al- Assad trả lời phỏng vấn báo chí ở Damascus. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/6, Mỹ chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 39 cá nhân và các thực thể của Syria, trong đó có cả Tổng thống Bashar al-Assad nhằm siết chặt nguồn thu buộc Damascus trở lại các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc đứng đầu.

Trong thông báo việc áp đặt các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Bảo vệ công dân Syria có tên gọi là Caesar, được Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 12 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết có thể sẽ có thêm nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền của ông Bashar al-Assad được đưa ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Trước đó, ngày 3/6, Chính phủ Syria đã lên tiếng chỉ trích việc Quốc hội Mỹ thi hành đạo luật Caesar, nhấn mạnh rằng đạo luật này sẽ gây thêm sự đau khổ cho người dân Syria trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang bị suy thoái nghiêm trọng.

[Syria lên tiếng phản đối biện pháp trừng phạt của Mỹ]

Chính phủ Syria lên án các lệnh trừng phạt nói chung của Mỹ đối với Syria và Đạo luật Caesar nói riêng là "một sự vi phạm trắng trợn" luật pháp quốc tế cũng như quyền con người.

Tháng 12/2019, đạo luật trên đã nhận được sự ủng hộ từ Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 6/2020, những biện pháp trừng phạt cứng rắn mới của Mỹ sẽ có hiệu lực theo Đạo luật Caesar nhằm tạo ra sức ép đối với những nước ủng hộ Chính phủ Syria.

Đạo luật Caesar cho phép Mỹ trừng phạt bất cứ công ty nước ngoài nào tham gia vào các lĩnh vực năng lượng, xây dựng hoặc kỹ thuật của Syria cũng như bất cứ tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính cho chính quyền Damascus.

Nền kinh tế của Syria đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn khi tỉ giá quy đổi đồng bảng Syria sang đồng USD đang rơi ở mức thấp kỷ lục, với 1 USD đổi được 1.800 bảng Syria. Trước khi cuộc xung đột tại Syria diễn ra vào tháng 3/2020, 1 USD chỉ đổi được 47 bảng Syria.

Liên quan đến quốc gia Trung Đông này, ngày 17/6, một tòa án Pháp đã xét xử vắng mặt ông Rifaat al-Assad, bác của Tổng thống Bashar al-Assad, 4 năm tù giam về tội rửa tiền và biển thủ công quỹ của Chính phủ Syria.

Từ tháng 12 năm ngoái, ông Rifaat al - Assad, 82 tuổi, phải nằm viện sau khi các bác sỹ chuẩn đoán ông bị chảy máu nội tạng. Ngoài ra, tòa án cũng ra phán quyết tịch thu toàn bộ bất động sản của nhân vật này tại Pháp trị giá lên tới 90 triệu euro (100 triệu USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục