Nga khẳng định tiếp tục vai trò trung gian giữa Armenia và Azerbaijan

Nga quan ngại về căng thẳng leo thang quanh hành lang Lachin và phía Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực của nước này, theo đó duy trì liên lạc với cả hai phía Armenia và Azerbaijan.
Nga khẳng định tiếp tục vai trò trung gian giữa Armenia và Azerbaijan ảnh 1Ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc đụng độ giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan, tại Sotk, Armenia, ngày 14/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga quan ngại về căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan liên quan việc phong tỏa hành lang giao thông Lachin, tuyến đường duy nhất nối khu vực Nagorny-Karabakh với Armenia, trong suốt 2 tuần qua, đồng thời khẳng định sẽ duy trì vai trò trung gian giúp 2 quốc gia này.

Trả lời phỏng vấn báo giới, người phát ngôn Peskov nhấn mạnh Nga quan ngại về căng thẳng leo thang quanh hành lang Lachin và phía Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực của nước này, theo đó duy trì liên lạc với cả hai phía Armenia và Azerbaijan.

Hành lang Lachin là tuyến đường cho phép hàng hóa được vận chuyển từ Armenia tới cộng đồng khoảng 120.000 người gốc Armenia hiện đang ở khu vực vùng núi Nagorny-Karabakh.

[Nga sẵn sàng tổ chức hội đàm định dạng ba bên với Armenia, Azerbaijan]

Hành lang này đã được lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đảm bảo trật tự từ năm 2020.

Tuy nhiên, kể từ ngày 12/12 vừa qua, các công dân Azerbaijan đã phong tỏa tuyến đường này.

Giới chức tại Nagorny-Karabakh cho biết lương thực, thuốc men và nhiên liêu tại khu vực này đang dần cạn kiệt.

Hôm 27/12 vừa qua, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về hành lang Lachin trong cuộc họp không chính thức của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) tại thành phố St. Petersburg của Nga.

Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan đã trở nên căng thẳng liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh.

Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia.

Vấn đề căng thẳng này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp hòa giải phù hợp.

Hồi tháng 5 năm nay, hai nước thông báo đã thành lập một ủy ban phân định biên giới và động thái này được đánh giá là bước đi hướng tới việc sớm chấm dứt tranh chấp khu vực Nagorny-Karabakh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục