Những 'vũ khí' trong cuộc chiến ngăn ngừa một Brexit không thỏa thuận

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông sẽ dẫn dắt đất nước rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong vòng 11 tuần nữa, dù có hay không có một thỏa thuận cho Brexit.
Cờ Anh và cờ EU tại thủ đô London. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cờ Anh và cờ EU tại thủ đô London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông sẽ dẫn dắt đất nước rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong vòng 11 tuần nữa, dù có hay không có một thỏa thuận chia ly, song hiện có vô số nhà lập pháp Anh muốn cản trở ông làm điều này.

Tình hình này hứa hẹn một cuộc chiến đấu nhiều rủi ro về tương lai của đất nước, với dư luận công chúng, các thủ tục nghị viện và luật pháp... tất cả đều có thể trở thành các loại vũ khí.

Brexit không thỏa thuận

Tháng trước, ông Johnson đã trở thành thủ tướng với lời hứa sẽ đưa Anh ra khỏi EU theo đúng lịch trình ngày 31/10 “dù thế nào đi nữa.” Ông cho biết bản thân muốn rời khỏi khối này với một thỏa thuận, song chỉ với điều kiện EU phải có những thay đổi lớn với thỏa thuận chia ly mà khối này đã ký kết với người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May.

Về phần mình, EU cho biết sẽ không đàm phán lại, và như vậy khả năng Anh rời khỏi khối mà không có thỏa thuận nào đang ngày càng gia tăng.

Theo luật pháp, trừ khi có điều gì đó đặc biệt xảy ra, Anh sẽ không còn là thành viên của EU kể từ 11 giờ tối ngày 31/10 theo giờ London. Chiến lược của ông Johnson là kiên định và hy vọng EU sẽ lay động, đồng thời xúc tiến các kế hoạch rời khối không cần thỏa thuận bằng cách tuyển dụng thêm các quan chức có chung chí hướng, dự trữ thuốc men và chuẩn bị cho các chuyến hàng bị tồn đọng tại bến cảng Dover.

Nhiều nhà kinh tế và doanh nhân cho rằng một Brexit không thỏa thuận sẽ gây ra những xáo trộn về kinh tế, và những người phản đối Johnson chỉ trích ông đã đẩy đất nước đến bên bờ vực.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, người đã từ chức ngay trước khi ông Johnson nhậm chức, cho biết chính phủ Anh dường như “đang lập ra một hàng rào quá cao cho các cuộc đàm phán, đến mức chúng ta chắc chắn phải rời EU mà không có thỏa thuận nào.”

Quyền lực của Quốc hội Anh

Quốc hội đã vài lần bỏ phiếu - dù không có tính ràng buộc - chống lại một Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên, các nhà lập pháp không nhất trí được một kịch bản thay thế. Một số muốn rời khối với một thỏa thuận, một số khác lại muốn ở lại EU.

Quốc hội đang trong giai đoạn nghỉ hè cho đến tận ngày 3/9 tới, song các nhà lập pháp đối lập và các nhà lập pháp đảng Bảo thủ, những người phản đối một Brexit không thỏa thuận, vẫn đang xúc tiến các cuộc thảo luận với hy vọng tìm ra một chiến lược chung.

Các nhà lập pháp có hai đường lối để ngăn cản một Brexit không thỏa thuận, hoặc thay thế chính phủ của ông Johnson, hoặc thông qua một đạo luật cản trở việc rời EU mà không có một thỏa thuận nào.

Những 'vũ khí' trong cuộc chiến ngăn ngừa một Brexit không thỏa thuận ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong cuộc họp Hạ viện ở thủ đô London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khả năng hạ bệ Boris Johnson

Các nhà lập pháp được cho là sẽ nỗ lực hất cẳng ông Johnson khi kỳ nghỉ Hè của Quốc hội kết thúc.

Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng đối lập, cho biết ông đang lên kế hoạch kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong chính phủ Johnson, vốn đang rất dễ bị tổn thương.

Thất bại vừa qua trong một cuộc bầu cử đặc biệt đã khiến thế đa số của họ chỉ còn chênh lệch có một lá phiếu. Một số nhà lập pháp đảng Bảo thủ e ngại về thiệt hại mà một Brexit không thỏa thuận có thể gây ra, đồng thời nhấn mạnh họ đang chuẩn bị hạ bệ một chính phủ Bảo thủ để ngăn ngừa khả năng chia ly không thỏa thuận xảy ra.

Tuy nhiên, chỉ một chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này thì không thể thay thế được tiến trình Anh rời khỏi Brexit. Sẽ có một giai đoạn kéo dài 14 ngày, trong đó hoặc Johnson, hoặc một chính trị gia khác, sẽ nỗ lực đảm bảo sự tín nhiệm của quốc hội bằng cách giành chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu khác.

Người giành chiến thắng sau đó sẽ lập ra một chính phủ mới. Nếu không ai giành chiến thắng trong vòng 14 ngày này, một cuộc bầu cử quốc gia sẽ được tổ chức.

Sẽ có một chính phủ đoàn kết dân tộc Anh?

Hiện chưa rõ là ai, nếu có, sẽ giành được sự ủng hộ của đa số nhà lập pháp Anh, một nhóm người đang rất chia rẽ. Corbyn, người đứng đầu đảng đối lập lớn nhất, đã viết thư gửi các lãnh đạo các nhóm đảng khác để đề xuất một “chính phủ lâm thời” do Corbyn dẫn dắt sẽ tìm cách trì hoãn ngày rời EU và kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia. Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải những phản ứng trái chiều.

Liz Saville, lãnh đạo đảng Plaid Cymru của Xứ Wales, cho biết bà hoan nghênh vì cuối cùng Jeremy Corbyn đã “ra tay,” song Jo Swinson, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do trung lập, cho rằng ý tưởng này “vô nghĩa” bởi Corbun là một nhân vật gây chia rẽ.

Những phản ứng này phản ánh vấn đề mà các lực lượng thân EU đang đối mặt. Các đảng đối lập nhỏ hơn nhất trí về sự cần thiết ngăn ngừa một Brexit không thỏa thuận, song lại không muốn đưa Corbyn - một nhân vật theo đường lối xã hội chủ nghĩa kiên định và không mấy thiện cảm với EU - lên cầm quyền.

Trong khi đó, Công đảng khả năng sẽ phản đối một chính trị gia đến từ bất kỳ đảng nào khác lên lãnh đạo một chính phủ thống nhất dân tộc. Nếu phe đối lập vẫn chia rẽ, Johnson sẽ đợi qua 14 ngày để kêu gọi một cuộc bầu cử cần thiết, nhưng là sau ngày 31/10. Điều này đồng nghĩa với việc Anh sẽ rời khỏi EU trên cơ sở không thỏa thuận trong đúng giai đoạn vận động bầu cử.

Khả năng đề xuất một đạo luật cấm Brexit không thỏa thuận

Quốc hội có một cách nữa là thông qua một đạo luật cấm Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, và chính phủ sẽ phải yêu cầu EU gia hạn thêm cho Brexit. Điều này sẽ rất khó, bởi chính phủ kiểm soát thời gian biểu của quốc hội và không có nhiều cơ hội để phe đối lập ra luật.

Các đồng minh của ông Johnson cũng đã đề xuất ông có thể đình chỉ quốc hội vào mùa thu nếu như quốc hội cố gắng gây trở ngại cho Brexit.Trong khi đó, EU cho biết sẽ chỉ chấp nhận trì hoãn Brexit một lần nữa nếu có một lý do thích đáng, chẳng hạn như là bầu cử Anh hay một cuộc trưng cầu ý dân mới về Brexit. 

Những 'vũ khí' trong cuộc chiến ngăn ngừa một Brexit không thỏa thuận ảnh 2

Nữ hoàng Anh sẽ "tham gia" tiến trình Brexit?

Do Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị là người chính thức bổ nhiệm thủ tướng Anh, nên những cuộc khủng hoảng chính trị luôn làm dấy lên hàng loạt đồn đoán về khả năng nữ hoàng - người được cho là đứng trên mọi công việc chính trị - sẽ tham gia vào những tranh cãi Brexit.

Sự suy đoán này càng gia tăng sau khi người phát ngôn về kinh tế của Công đảng John McDonnell cho biết ông sẽ “đưa Jeremy Corbyn lên một xe ngựa tới Cung điện Buckingham để nói rằng chúng tôi sẽ tiếp quản” nếu ông Johnson thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Tuy nhiên, khả năng nữ hoàng sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc quyết định người nắm quyền lãnh đạo là cực kỳ thấp. Các vị vua trước đây đã từng có quyền giải thể các chính phủ Anh, song điều này chưa từng xảy ra kể từ năm 1834.

Chuyên gia về lập hiến Vernon Bogdanor nhận định: “Nữ hoàng sẽ chỉ cố vấn cho thủ tướng của bà và vẫn đứng ngoài mọi việc”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục