Quan hệ Mỹ-Đức hậu kỷ nguyên Thủ tướng Đức Angela Merkel

Trải qua những thử thách và khó khăn trong các cuộc chiến, khủng hoảng tài chính toàn cầu và 4 năm biến động thời ông Trump, bà Merkel vẫn là người kiên định trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Quan hệ Mỹ-Đức hậu kỷ nguyên Thủ tướng Đức Angela Merkel ảnh 1Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Washington vừa mất đi ngôi sao phương Bắc ở châu Âu. Kể từ năm 2005, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trở thành trụ cột cho mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu.

Trải qua những thử thách và khó khăn trong các cuộc chiến Iraq và Afghanistan, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine năm 2014 (em xem có để đoạn này ko nhé) và 4 năm đầy biến động thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, bà Merkel vẫn là người kiên định, vững vàng trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Bà có quan hệ bền chặt với các thành viên của Đảng Dân chủ và cả Đảng Cộng hòa của ông Trump và bà Merkel là vị khách châu Âu đầu tiên mà Tổng thống Joe Biden chào đón đến Nhà Trắng, ngay cả khi nhiệm kỳ thủ tướng của bà sắp kết thúc. Nhưng hằng số đó đã thay đổi và hiện có những tác động lớn đối với Mỹ, châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sau khi công bố một thỏa thuận liên minh mới, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) với Olaf Scholz được bầu chọn làm Thủ tướng mới của nước Đức đã lên nắm quyền. Ông đang lãnh đạo một liên minh độc đáo giữa SPD, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP).

Người ta đã nói nhiều về tính tiến bộ của Koalitionvertrag - thỏa thuận liên minh 3 đảng - được công bố trước công chúng hôm 24/11 vừa qua sau khoảng 2 tháng đàm phán. Sau 16 năm nước Đức nằm dưới sự cầm quyền của phe bảo thủ, các kế hoạch được đưa ra được xem là rất táo bạo và tiến bộ. Thỏa thuận liên minh nhắm mục tiêu hiện đại hóa nhà nước Đức, tự do hóa nhập cư, đầu tư mạnh cho khí hậu và thậm chí hợp pháp hóa cần sa. Tuy nhiên, chính phủ mới ở Đức có ý nghĩa như thế nào đối với chính sách đối ngoại của Mỹ?

Những gì Mỹ có thể mong đợi

Chính quyền Biden nên sẵn sàng cho ít nhất 4 thay đổi trong chính sách đối ngoại của Đức, theo đó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Đức.

[Thời kỳ mới cho quan hệ đối tác tự nhiên giữa Đức và Mỹ]

Đầu tiên là một chính sách đối ngoại theo định hướng giá trị hơn, có nghĩa là có đường lối cứng rắn hơn với những nhà lãnh đạo chuyên quyền/độc tài. Annalena Baerbock, ứng cử viên của Đảng Xanh cho chức vụ Thủ tướng, đã được bổ nhiệm lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Đảng Xanh vốn chỉ trích gay gắt nhất các chính đảng lớn ở cả Nga lẫn Trung Quốc, và cùng với Mỹ, họ đã phản đối mạnh mẽ việc xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nordstream II).

Đức cũng sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Ba Lan và Hungary về các vấn đề pháp quyền. Bà Merkel đã bị chỉ trích nặng nề vì cách tiếp cận mềm mỏng đối với các chính quyền thụt lùi trong vấn đề dân chủ. Đức, với tư cách là nền kinh tế mạnh nhất ở châu Âu, có quyền lực và ảnh hưởng to lớn và họ đã bất đắc dĩ sử dụng những ưu thế đó.

Cách tiếp cận theo định hướng giá trị của Đảng Xanh sẽ phù hợp hơn với chính quyền Biden và sẽ trái ngược hẳn với chính sách đối ngoại nghiêng về chủ nghĩa trọng thương của Merkel, vốn ưu tiên nhiều cho lợi ích kinh tế và thương mại, đặc biệt là đối với Trung Quốc.

Thách thức đối với tân Ngoại trưởng Baerbock là cách tiếp cận của bà đôi khi có thể khiến bà đối đầu với Thủ tướng mới Scholz, người thể hiện tính liên tục hơn với chính sách đối ngoại của Merkel. Điều này sẽ tạo ra một số căng thẳng, đặc biệt khi việc hoạch định chính sách đối ngoại ngày càng chịu sự kiểm soát nhiều hơn của Văn phòng Thủ tướng dưới thời bà Merkel.

Nhưng uy tín cao và sự liên kết với Washington của Baerbock chắc chắn sẽ thúc đẩy nước Đức đi theo hướng giá trị hơn. Điều này nhiều khả năng sẽ biến chính sách Nga và Trung Quốc từ nguồn gốc gây căng thẳng trong quan hệ Đức-Mỹ trở thành một lĩnh vực thế mạnh.

Thứ hai, chính phủ mới sẽ đặt châu Âu lên vị trí hàng đầu. Thỏa thuận liên minh cực kỳ táo bạo trong việc hỗ trợ củng cố Liên minh châu Âu (EU). Điều này trái ngược hẳn với sự thận trọng của bà Merkel đối với bất kỳ sáng kiến nào của EU, khi bà bác bỏ nhiều ý tưởng cải cách táo bạo của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Điều này đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực phòng thủ; Merkel luôn thích nhìn nhận nền quốc phòng châu Âu qua lăng kính của NATO và bác bỏ tầm nhìn của Macron về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu.

Ngược lại, liên minh mới ở Đức cho biết họ muốn “gia tăng chủ quyền chiến lược của châu Âu” và trong một cuộc họp báo gần đây, Scholz tuyên bố rằng “chủ quyền của châu Âu là nền tảng trong chính sách đối ngoại của chúng tôi.” Mặc dù thỏa thuận liên minh ủng hộ một NATO mở rộng hơn và thỏa thuận chia sẻ hạt nhân cụ thể hơn sẽ xoa dịu nỗi lo của người Mỹ, Chính phủ mới của Đức có thể sẽ tập trung vào Brussels hơn là Washington.

Thứ ba, Đức sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về quá trình chuyển đổi khí hậu. Đức từ lâu đã là nhà lãnh đạo khí hậu toàn cầu, nhưng bà Merkel rời nhiệm sở với thành tích trong nước gây tranh cãi. Bà đã đưa ra quyết định đột ngột đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của Đức sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản, nhưng không theo đuổi nỗ lực tương tự để đóng cửa các nhà máy nhiệt điện. Tốc độ giảm phát thải chậm chạp của Đức đã khiến các nhà hoạt động môi trường thất vọng và buộc Tòa án Hiến pháp Đức phải yêu cầu chính phủ hành động mạnh mẽ hơn.

Quan hệ Mỹ-Đức hậu kỷ nguyên Thủ tướng Đức Angela Merkel ảnh 2Ông Donald Trump, khi đương chức Tổng thống Mỹ, phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington, DC, ngày 21/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thỏa thuận liên minh nhấn mạnh vấn đề khí hậu, điều này có nghĩa là sắp tới mọi người sẽ chứng kiến sự đầu tư lớn cho lĩnh vực này. Do đó, Đức - cường quốc lớn mạnh nhất trong EU, sẽ thúc đẩy khối kinh tế có quy mô tương đương với Mỹ và Trung Quốc này tiếp tục có những hành động táo bạo hơn. Đây là một tin tốt cho Mỹ.

Trong suốt 4 năm dưới thời Tổng thống Trump, phần lớn tiến bộ của Mỹ về khí hậu là nhờ các sáng kiến của các thành phố và các bang do thiếu sự quan tâm của chính phủ liên bang. Với việc chính quyền Biden tập trung vào vấn đề khí hậu và đảo ngược của nhiều chính sách môi trường thời ông Trump, hai nước nên tận dụng cơ hội để thực sự thúc đẩy hợp tác.

Cuối cùng, điều tương tự cũng được cho là sẽ xảy ra với lĩnh vực quốc phòng - có nghĩa là Mỹ không nên trông đợi bất kỳ sự thay đổi nào. Những lo ngại của Washington và phía Đông NATO rằng chính phủ mới ở Đức sẽ rút khỏi cam kết chia sẻ hạt nhân với NATO hoặc sẽ ngừng mua máy bay không người lái có vũ trang là không có cơ sở.

Nhưng đối với vấn đề ngân sách quốc phòng, đặc biệt điều này hầu như không được đề cập trong thỏa thuận liên minh. Hiện nay, quân đội Đức đang ở trong tình trạng tồi tệ, thiếu đầu tư và điều này khó có thể thay đổi với một liên minh gồm 2 đảng có đường lối khá ôn hòa và một đảng phản đối việc chi tiêu nhiều hơn.

Thỏa thuận liên minh không đề cập rõ cam kết của Đức đối với NATO là dành 2% GDP cho quốc phòng. Thay vào đó, thỏa thuận đề cập mơ hồ việc chi 3% cho một loạt ưu tiên được xác định rộng rãi hơn bên cạnh quốc phòng, bao gồm ngoại giao và phát triển.

Đã đến lúc Mỹ bỏ qua thước đo chi tiêu quốc phòng 2% tùy hứng này. Đóng góp của châu Âu cho ngân sách quốc phòng quá ít đã cản trở các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương (và đặc biệt là Đức) trong nhiều thập kỷ. Thay vì thúc đẩy Berlin đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP một cách vô ích, Washington nên ủng hộ các lời kêu gọi phát triển hơn và chi tiêu nhiều hơn cho khí hậu.

Đồng thời, Mỹ nên tập trung vào những khoảng trống hữu hình trong năng lực của NATO và nên giành lại ưu thế với Berlin, nắm bắt xu hướng ủng hộ EU của liên minh và khuyến khích chi tiêu tập thể nhiều hơn ở cấp độ EU để lấp đầy những khoảng trống này. Một EU mạnh mẽ hơn, gắn kết hơn, có thể có những hành động mạnh mẽ liên quan đến khí hậu hoặc chống lại sự chèn ép kinh tế của Trung Quốc, là điều tốt cho cả Mỹ và NATO.

Một cơ hội

Đây là một thời khắc lịch sử đối với nước Đức. Bà Merkel có thể từng là cầu nối hai bờ Đại Tây Dương, nhưng quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng đã trở nên lỗi thời.

Khi nhậm chức hồi đầu năm nay, Chính quyền Biden đặt mục tiêu đổi mới quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương và khôi phục lòng tin giữa các đối tác Mỹ-EU vốn đã bị tổn hại nặng nề trong suốt nhiệm kỳ tổng thống 4 năm của ông Trump.

Chính phủ mới ở Đức tạo cơ hội cho một mối quan hệ mới bằng cách nêu bật các giá trị chung của hai nước, và thúc đẩy Đức hành động mạnh mẽ hơn ở cả châu Âu và trên thế giới, trong bối cảnh ưu tiên chiến lược của Mỹ chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục