Chiến sự vẫn ác liệt

Syria: Chiến sự ác liệt tiếp diễn ở thành phố Aleppo

Ngày 31/7 chiến sự ác liệt giữa quân chính phủ Syria và lực lượng chống đối tại thành phố Aleppo đã bước sang ngày thứ tư.
Ngày 31/7 chiến sự ác liệt giữa quân chính phủ Syria và lực lượng chống đối tại thành phố Aleppo bước sang ngày thứ tư, trong khi có những bằng chứng cho thấy phe chống đối trả thù những người ủng hộ Chính phủ Syria.

Các nguồn tin đối lập xác nhận quân chống đối chiếm giữ hai đồn cảnh sát tại Aleppo, giết hại khoảng 40 cảnh sát. Một số nhà hoạt động đăng tải lên YouTube đoạn băng hình cho thấy các tay súng của lực lượng chống đối Quân đội Syria Tự do hành quyết các thành viên của bộ lạc Al-Berri trung thành với chính phủ tại Aleppo. Người đứng đầu Tổ chức giám sát nhân quyền Syria, Abdel Rahman lên án hành động này là "một tội ác và là sự trả thù."

Một nguồn tin an ninh tại Damascus nhận định chiến sự tại Aleppo có thể kéo dài vài tuần. Tuy nhiên, giới quan sát dự đoán lực lượng chính phủ sẽ đánh bật quân chống đối ra khỏi thành phố này như đã từng làm được ở thủ đô Damascus tuần trước.

Theo các nhà hoạt động, lực lượng chính phủ liên tiếp giáng những đòn tấn công mạnh mẽ vào quân chống đối tại Salaheddine và Seif al-Dawla. Hãng thông tấn chính thức của Syria SANA cho biết quân chính phủ đang truy đuổi "tàn quân của các nhóm khủng bố có vũ trang" ra khỏi Salaheddine.

Chính quyền Damascus cáo buộc các phần tử cực đoan nước ngoài đang thao túng cuộc nổi dậy tại Syria. Tình báo Syria nhận định có những dấu hiệu cho thấy các tay súng Hồi giáo tham gia cuộc chiến tại Syria. Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây tiết lộ có một thỏa thuận ở phương Tây về việc các tay súng Hồi giáo nước ngoài thâm nhập vào Syria để tiến hành cuộc thánh chiến chống chính phủ của Tổng thống Bashar Al Assad.

Nguồn tin trên, yêu cầu giấu tên, cho biết nhiều tay súng từ Chechnya, Yemen, Lybia, Iraq, Afghanistan và Pakistan, đã thâm nhập Syria để hỗ trợ phe đối lập. Damascus cũng cáo buộc Arập Xêút và Qatar hỗ trợ tài chính cho các tay súng nước ngoài mua vũ khí.

Tổng thư ký Liên đoàn Arập Nabil Elaraby cho rằng các hành động giết chóc tại thành phố Aleppo là tội ác chiến tranh, đồng thời hối thúc trừng phạt chính phủ của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Pannetta cho biết hiện tại Washington không cân nhắc bất cứ động thái đơn phương nào đối với Syria.

Có nhiều ý kiến quan ngại nguy cơ một sự can thiệp quân sự từ bên ngoài khiến tình hình Syria diễn biến trầm trọng hơn, lôi kéo các nước láng giềng vào cuộc. Nhật báo Shargh ngày 31/7 dẫn lời Chuẩn Tướng Masoud Jazayeri, Phó Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Iran, tuyên bố Iran "sẽ không cho phép kẻ thù tiến vào" Syria, mặc dù nói rõ hiện Teheran chưa thấy cần can thiệp trực tiếp vào quốc gia đồng minh này.

Một nhóm vũ trang Hồi giáo ngày 31/7 đã nhận trách nhiệm về hàng chục vụ tấn công nhằm vào lực lượng chính phủ tại Syria trong gần một năm qua. Tổ chức Thông tin SITE, có trụ sở tại Mỹ, cho biết trong các thông báo đăng tải trên mạng, Mặt trận Al-Nursa đã xác nhận một loạt vụ tấn công, trong đó có vụ tại một căn cứ không quân tại Camisli, 12 vụ tấn công tại tỉnh Idlib và ba vụ khác tại Aleppo.

Theo SITE, nhóm vũ trang Hồi giáo nói trên còn thừa nhận đã tiến hành bảy vụ tấn công khác, trong đó có hai vụ bắt cóc và mưu sát một nhân vật trong nhà tù ở Damascus và một nhiếp ảnh gia làm việc cho cơ quan an ninh tại Damascus. Trước đó, danh tính của nhóm vũ trang trên chưa hề được công khai cho đến tháng Ba, khi Al-Nursa nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom xe hồi đầu năm tại Damascus và Aleppo làm hàng chục người thiệt mạng.

[Nhóm Hồi giáo nhận trách nhiệm tấn công tại Syria]

Trong khi đó, một nhân vật đối lập, luật sư Haytham al-Maleh, 81 tuổi, công bố sẽ đứng ra thành lập nhóm chính trị riêng với tên gọi Hội đồng ủy quyền cách mạng Syria. Phát biểu với báo giới ngày 31/7, ông Maleh cho biết ông đã được giao nhiệm vụ thành lập một chính phủ chuyển tiếp lưu vong đặt trụ sở ở Cairo, Ai Cập và khẳng định sẽ bắt đầu tham vấn "phong trào đối lập ở trong và ngoài" Syria.

Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) ngay lập tức đã phản ứng với thông báo trên của ông Maleh, chỉ trích thành lập chính phủ lưu vong vào thời điểm này là một động thái vội vàng. Thủ lĩnh SNC Abdel Basset Sayda cho rằng thông báo trên của ông Maleh sẽ làm suy yếu phe đối lập. Ông Sayda cho biết sẽ thảo luận với các nhóm đối lập về việc lập chính phủ chuyển tiếp dưới sự lãnh đạo của một nhân vật tham gia cuộc nổi dậy từ những ngày đầu tiên.

Cùng ngày, Đại hội đồng Liên hợp quốc cho biết trong tuần này sẽ triệu tập một hội nghị về cuộc khủng hoảng ở Syria. Theo các quan chức ngoại giao, cuộc họp này có thể tiến hành bỏ phiếu về một nghị quyết do Arập Xêút soạn thảo, trong đó chỉ trích Hội đồng Bảo an không có hành động đối với Damascus. Văn phòng báo chí của Đại hội đồng cho biết hội nghị có thể bắt đầu vào sáng ngày 3/8./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục