Thổ Nhĩ Kỳ cam kết thúc đẩy đối thoại hòa bình giữa Nga và Ukraine

Phát biểu với giới truyền thông, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Chúng tôi đang tìm cách tạo dựng một hành lang hòa bình, giống như hành lang ngũ cốc trước đây.”
Thổ Nhĩ Kỳ cam kết thúc đẩy đối thoại hòa bình giữa Nga và Ukraine ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Lviv ngày 18/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 12/11 tái khẳng định cam kết thúc đẩy đối thoại hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Phát biểu với giới truyền thông trên chuyến bay xuất phát từ Uzbekistan, Tổng thống Erdogan cho biết: “Chúng tôi đang tìm cách tạo dựng một hành lang hòa bình, giống như hành lang ngũ cốc trước đây.” Ông cũng đánh giá cao khả năng chống đỡ của Nga trước sức ép từ phía Mỹ và các đồng minh.

Liên quan đến thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine mà Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) đóng vai trò trung gian, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không đề xuất khung thời gian cụ thể để gia hạn thỏa thuận này, tuy nhiên mong muốn thỏa thuận sẽ hoạt động “càng lâu càng tốt.”

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen được ký ngày 22/7 tại thành phố Istanbul, có hiệu lực trong vòng 120 ngày và sẽ hết hạn trong nửa cuối tháng 11. Hiện các bên liên quan đang nỗ lực thúc đẩy kéo dài thỏa thuận này.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga và Liên hợp quốc cũng đã ký một biên bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga với thời hạn 3 năm.

[EU và các ngân hàng châu Âu đẩy mạnh hỗ trợ Ukraine xuất khẩu ngũ cốc]

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga, hãng thông tấn TASS ngày 12/11 đưa tin công ty phân bón Uralchem-Uralkali của Nga đã đồng ý với Hà Lan, Estonia và Bỉ về việc cung cấp các xe hàng phân bón đang bị mắc kẹt tại các nước này tới châu Phi.

Người đứng đầu Uralchem, ông Dmitry Konyaev cho biết công ty đang tích cực hợp tác với Liên hợp quốc để chuyển tới châu Phi hàng viện trợ gồm hơn 262.000 tấn phân bón đang bị ách tắc ở các nước thuộc Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, ông không nêu cụ thể lượng phân bón sẽ được chuyển đi từ mỗi nước.

Trước đó, Hà Lan ngày 11/11 cho biết sẽ thực hiện yêu cầu của Liên hợp quốc, cho phép vận chuyển tới Malawi 20.000 tấn phân bón của Nga đang bị tắc ở cảng Rotterdam do các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva. Theo giới chức Liên hợp quốc, chuyến viện trợ phân bón đầu tiên dự kiến sẽ khởi hành đi Malawi trong tuần tới.

Ngũ cốc và phân bón của Nga không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, tuy nhiên Moskva cho biết hoạt động cung ứng bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt tác động đến việc tiếp cận tài chính, bảo hiểm và việc ra vào các cảng biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục