Tương quan chính trị của EU sau bầu cử Nghị viện châu Âu

Ảnh hưởng của các nhóm đảng Tự do và đảng Xanh gia tăng trong Nghị viện châu Âu. Trong khi, các đảng hoài nghi châu Âu có thêm ảnh hưởng nhưng không đủ cản trở sự vận hành của các thiết chế châu Âu.
Tương quan chính trị của EU sau bầu cử Nghị viện châu Âu ảnh 1Thành viên Liên minh Tự do và Dân chủ cho châu Âu (ALDE) Margrethe Vestager phát biểu sau khi kết quả bầu cử sơ bộ Nghị viện châu Âu được công bố tại Brussels, Bỉ tối 26/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đúng như dự đoán của các nhà quan sát chính trị châu Âu, các nhóm đảng Bảo thủ và Xã hội Dân chủ bị mất phiếu và lần đầu tiên trong 20 năm qua, liên minh hai đảng này không đạt được đa số trong Nghị viện châu Âu, cần phải liên minh với một nhóm đảng thứ ba.

Trong khi đó, ảnh hưởng của các nhóm đảng Tự do và đảng Xanh gia tăng trong Nghị viện châu Âu.

Các đảng hoài nghi châu Âu cũng có thêm ảnh hưởng nhưng không đủ để cản trở sự vận hành của các thiết chế châu Âu.

[Tín hiệu lạc quan từ cuộc bầu cử EP: Phe dân túy không chi phối EU]

Dưới đây là những đánh giá về kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu của báo chí châu Âu trong thời gian qua.

Nhật báo La Repubblica (Italy) nhận định vừa qua, những người theo chủ nghĩa quốc gia đã kêu gọi cử tri châu Âu tham gia cái gọi là cuộc trưng cầu ý dân nhằm chống lại Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, họ đã bị chặn lại, ngoại trừ tại Pháp và Italy. Tình trạng không tham gia bỏ phiếu gia tăng từ nhiều thập kỷ qua đã bị đẩy lùi.

Hơn 50% cử tri châu Âu (430 triệu cử tri) đã tham gia bỏ phiếu, trong số đó có nhiều thanh niên.

EU hiện nay đứng vững được chính là nhờ công của họ… Việc xem xét lại sự tồn tại của EU, được khơi mào từ những siêu cường thù địch với EU gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc và được chủ nghĩa dân túy dẫn dắt, đã vấp phải thất bại tại cuộc bầu cử vừa qua.

Đa số người dân châu Âu vẫn trung thành với ý tưởng về một nền dân chủ tự do, có khả năng bảo vệ quyền lợi chính trị và xã hội của các công dân.

Trong khi đó, nhật báo Dagens Nyheter (Thụy Điển) cảnh báo rằng nếu như "cơn sóng thần hoài nghi châu Âu" không xảy ra, thì ngay từ bây giờ, các đảng trung dung cần phối hợp với nhau để đề phòng tình huống này.

Theo nhật báo này, các đảng Liên minh Italy, Luật pháp và Công lý (Pis) của Ba Lan và Dân chủ của Thụy Điển đã gia tăng ảnh hưởng tại Nghị viện châu Âu.

Tuy nhiên, họ không lập được đa số. Mặt khác, những người theo chủ nghĩa quốc gia đang bị mắc kẹt do những chia rẽ trong nội bộ. Chính điều này đã cản trở họ gây ra những xáo trộn chính trị trên chính trường châu Âu.

Nếu lực lượng chính trị ủng hộ châu Âu thuộc phái trung dung đạt được thỏa hiệp thì sau bầu cử, họ có thể thúc đẩy được hoạt động của Nghị viện châu Âu.

Với một góc nhìn khác, Fabio Pontiggia - Tổng biên tập nhật báo Corriere del Ticino (Italy) - cho rằng cuộc bầu cử châu Âu vừa qua không mang lại thay đổi gì lớn đối với EU.

Theo Pontiggia, EU đang ở giữa dòng nước và dường như không đủ sức để thoát khỏi những khó khăn mà cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế và vấn đề nhập cử đang đè nặng lên liên minh này.

Tuy nhiên, EU vẫn chưa bị các đảng dân túy và chủ nghĩa quốc gia áp đảo.

Nhật báo Die Presse (Áo) lại đề cập đến khía cạnh tác động qua lại của bầu cử Nghị viện châu Âu đối với tình hình chính trị nội bộ của mỗi quốc gia thành viên.

Nhật báo này cho rằng thực tế, bầu cử Nghị viện châu Âu cho thấy chính trị nội bộ của các quốc gia thành viên EU và chính trị châu Âu là những "chiếc bình" thông nhau.

Cuộc bầu cử vừa qua cho thấy tại Đức, số phận của phe đại liên minh đang bị đe dọa.

Tại Ba Lan, cuộc bỏ phiếu này đã mang lại cho phe đối lập tự do lợi thế trước kỳ bầu cử lập pháp.

Tại Anh, người ta chứng kiến sự thất bại của đảng Bảo thủ dẫn tới việc thúc đẩy đàm phán với EU về việc Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit.

Theo Die Presse, chính trị tại mỗi quốc gia không chỉ nằm trong khuôn khổ quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục