Vì sao HLV Southgate để các cầu thủ trẻ đá penalty trước Italy?

Việc huấn luyện viên Gareth Southgate để Rashford, Sancho và đặc biệt là Saka thực hiện quả đá penalty là quyết định gây tranh cãi nhất sau trận chung kết EURO 2020, bởi họ đều quá trẻ, it kinh nghệm.
Harry Kane an ủi đàn em Saka sau khi sút hỏng phạt đền ở chung kết EURO 2020. (Ảnh: UEFA)
Harry Kane an ủi đàn em Saka sau khi sút hỏng phạt đền ở chung kết EURO 2020. (Ảnh: UEFA)

Hãy thử tưởng tượng một kịch bản khác của trận chung kết EURO 2020: Lần lượt Marcus Rashford, Jadon Sancho rồi Bukayo Saka đều thực hiện thành công cút sút luân lưu 11m của mình, Anh sẽ giành chức vô địch, bóng đá thực sự "trở về nhà," huấn luyện viên Gareth Southgate sẽ được phong tước Hiệp sĩ.

Nhưng đó là với chữ "nếu," còn sự thật thì đội tuyển Anh để tuột mất chức vô địch EURO 2020 sau khi thua Italy trên chấm luân lưu may rủi với tỷ số 3-2, dù họ có vô vàn lợi thế. Sân nhà, cổ động viên nhà, ghi bàn trước, đối phương sút hỏng penalty trước...

Nên đương nhiên, sau trận đấu, xuất hiện rất nhiều lời chỉ trích nhằm vào Southgate khi ông để 3 cầu thủ còn quá trẻ thực hiện nhiệm vụ quá nặng nề, trong khi ai cũng hiểu loạt luân lưu 11m là đòn 'cân não' thực sự.

[Southgate nhận lỗi khi Anh thua Italy ở chung kết EURO 2020]

Trong số 3 cầu thủ trên, Rashford và Sancho được tung vào sân ở cuối hiệp phụ thứ 2, khi đồng hồ trên sân chỉ sang phút 118. Nghĩa là Southgate thay người với chủ đích  để hai cầu thủ của Manchester United thực hiện những cú sút may rủi từ chấm 11 mét. 

Saka vào sân từ trước đó, nhưng tỏ ra bị khớp tâm lý, thể hiện qua vô số pha đỡ bóng hỏng, trong đó có tình huống để bóng bật khỏi chân tới cả mét trong vòng cấm sau pha đánh gót của Jack Graelish. Vậy mà Saka vẫn được Southgate bố trí đá penalty, thậm chí là quả "chốt hạ"!

Tuy nhiên, theo phân tích của báo chí Anh, Southgate có lý khi thực hiện quyết định kể trên, căn cứ vào thành tích sút penalty của các cầu thủ ở câu lạc bộ. Sau trận đấu, ngoài việc nhận trách nhiệm về thất bại, Southgate cũng lý giải rằng ông lựa chọn danh sách đá pen dựa vào những gì mà các cầu thủ thể hiện trong các buổi tập.

Theo Goal, ở cấp độ câu lạc bộ và đội tuyển, Rashford đã thực hiện tổng cộng 14 quả penalty, thành công 12 lần, chiếm tỷ lệ 85%. Con số này của Sancho là 3 lần thành công, chiếm tỷ lệ 100%. 

Bảng thống kê dưới đây cho thấy, Harry Kane đá penalty tốt nhất với tỷ lệ 85,7% sau khi thực hiện thành công 42 trong tổng số 49 pha đá 11 mét trong sự nghiệp. Trong khi đó, nhiều cầu thủ cũng có mặt trên sân lúc đó như Graelish còn chưa từng đá 11m thành công. Henderson, người phải nhường chỗ cho Sancho, thì mới 1 lần chiến thắng trên chấm phạt đền, Raheem Sterling thậm chí đã 3 lần sút hỏng penalty trong màu áo Man City.

Như vậy, quyết định tung Rashford và Sancho vào sân để thực hiện phần đá penalty của huấn luyện viên Southgate không phải là vô căn cứ. Nghĩa là ngoại trừ Kane (sút lượt đầu, thành công) thì các gương mặt còn lại của đội tuyển Anh đều không đáng tin cậy trên chấm 11m. Cả Harry Macguirre cũng vậy, dù thực tế là cầu thủ này cũng thành công ở lượt sút thứ 2.

Đáng chú ý, Rashford chưa từng đá trượt penalty ở cấp độ đội tuyển khi 3 lần đảm nhận trọng trách đều sút thành công. 

Tuy nhiên, mọi phân tích và tính toán đều có sai số khi phần sút luân lưu còn được định đoạt bởi yếu tố may rủi, dưới sức ép tâm lý kinh khủng. Về điểm này thì dường như Southgate không truyền được sự tự tin cho các học trò, bởisự nghiệp cầu thủ của ông gắn liền với pha đá penalty hỏng ăn quyết định trong trận bán kết EURO 1996 cũng trên sân Wembley, khiến người Anh ôm hận suốt bao năm.

Vì sao HLV Southgate để các cầu thủ trẻ đá penalty trước Italy? ảnh 1Phân tích 10 cầu thủ đội tuyển Anh đá penalty tốt nhất ở cả cấp câu lạc bộ và đội tuyển. (Ảnh: GOAL)
Vì sao HLV Southgate để các cầu thủ trẻ đá penalty trước Italy? ảnh 2Thống kê 5 cầu thủ Anh đá penalty tốt nhất ở cấp đội tuyển. (Ảnh: GOAL)

Thế nên, kết luận được rút ra là "trình" sút penalty của người Anh chỉ có vậy. Đây cũng là vấn đề chung với tuyển Anh trong quá khứ. Lịch sử cho thấy trong 9 lần phải bước vào loạt sút luân lưu quyết định, Tam sư chỉ thắng 3 lần trong khi thua tới 6.

Nhưng dù lấy yếu tố lịch sử ra để bảo vệ quyết định của Southgate thì người ta vẫn cảm thấy khó hiểu khi ông để Saka, mới 19 tuổi, đá quả quyết định.

Thống kê cho thấy cầu thủ trẻ này chưa từng thực hiện bất cứ quả phạt đền nào tại cấp câu lạc bộ hay đội tuyển kể từ khi chơi cho đội một. Saka mới chỉ thành công trong 3 lần đá penalty khi chơi cho đội trẻ của Arsenal.

Trên Twitter, cây bút thể thao nổi tiếng Elliot Ross chất vấn: "Luis Enrique từng rút Pedri trước loạt sút luân lưu để bảo vệ cậu ấy. Mà đó là tiền vệ trẻ xuất sắc nhất thế giới, hàng tuần được ra sân cùng Messi ở Barcelona. Quyết định trao cho Saka quả penalty thứ 5 là cực kỳ tồi tệ. Có nhiều cầu thủ dày dạn kinh nghiệm còn không dám thực hiện quả sút đó."

Ngược lại, người Italy tỏ ra già dơ hơn rất nhiều. Huấn luyện viên Roberto Mancini chọn ra những gương mặt dày dạn kinh nghiệm trên chấm 11m. Và không chỉ những người thực hiện cú sút penalty, thủ thành Gianluigi Donnarumma mới là người đáng được ngợi ca hơn cả, khi anh bình tĩnh cản phá cú sút của Sancho rồi Saka với sắc mặt cực kỳ điềm tĩnh. Và phần thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất giải được trao cho Donnarumma là phần thưởng vô cùng xứng đáng./.

Rashford ôm mặt sau khi thực hiện hỏng quả phạt đền ở trận chung kết EURO 2020. 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục