Đâu là những thách thức đối ngoại của Nga trong năm 2019?

Bài viết dự báo về mối quan hệ của Nga với những đối tác chủ chốt là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng như những thách thức đối với Nga tại 2 "điểm nóng" quốc tế là Ukraine và Syria.
Đâu là những thách thức đối ngoại của Nga trong năm 2019? ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP)

Trang tin rbc.ru (Nga) mới đây có đăng bài viết với tựa đề “Những thách thức chờ đợi nước Nga trong năm 2019,” trong đó tập trung dự báo về mối quan hệ của Nga với những đối tác chủ chốt là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng như những thách thức đối với Nga tại 2 "điểm nóng" quốc tế là Ukraine và Syria.

Mỹ sẽ gia tăng trừng phạt Nga

Năm 2019, Quốc hội Mỹ có lẽ sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, theo đó sẽ phê chuẩn 2 dự luật là “Bảo vệ bầu cử khỏi các mối đe dọa bằng cách thiết lập giới hạn đỏ” (DETER) và “Đạo luật về việc bảo vệ an ninh nước Mỹ trước sự hung hăng của Điện Kremly” (DASKAA).

Lệnh trừng phạt mới sẽ nhắm đến các quan chức và doanh nhân thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như một số ngân hàng lớn của Nga. Hiện cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ đều nhất trí gây sức ép đối với Nga, và sức ép này trong năm 2019 ít có khả năng được nới lỏng.

Ngoài ra, trong năm 2019, Mỹ sẽ trừng phạt Nga về vụ cựu điệp viên Sergey Skripal bị đầu độc tại Anh. Chính quyền Mỹ sẽ phải áp dụng 3/6 biện pháp chống Nga sau: phong tỏa hỗ trợ tài chính quốc tế, cấm các ngân hàng Mỹ cung cấp tín dụng cho ngân hàng Nga, hạ cấp quan hệ ngoại giao, cấm hoàn toàn việc xuất khẩu từ Mỹ sang Nga (ngoại trừ lương thực), cấm hoàn toàn việc nhập khẩu và cấm Hãng hàng không Aeroflot của Nga thực hiện vận chuyển hành khách đến Mỹ.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các biện pháp gây sức ép mới này sẽ được triển khai, song hiện chưa có thời gian cụ thể. Một thách thức nữa đối với việc cải thiện quan hệ Nga-Mỹ là cách hành xử khó đoán của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức.

Quan hệ Nga-châu Âu “dậm chân tại chỗ”

Năm 2019, EU sẽ phải đối mặt với những thay đổi lớn. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra vào tháng 5/2019 có thể dẫn đến sự gia tăng ảnh hưởng của các đảng cực hữu.

Tiếp đó, đến mùa Thu năm 2019, những người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) như Chủ tịch Jean Claude-Juncker và Phó Chủ tịch-Cao ủy phụ trách đối ngoại Federica Mogherini cũng sẽ được thay thế.

Nếu tính đến cả những thách thức về đối nội tại các nước thành viên chủ chốt của EU như Pháp, Đức... thì ít khả năng EU sẽ tìm ra các nguồn lực để hiện thực hóa các sáng kiến trong quan hệ với Nga.

Với nền kinh tế khá ổn định, EU không có nhu cầu phải cải thiện hợp tác với Nga bằng bất cứ giá nào. Phó Giáo sư Khoa tiến trình hội nhập thuộc trường Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO) Alexander Burmuly dự báo quan hệ Nga-EU khả dĩ lắm cũng chỉ duy trì được mức hợp tác như hiện nay.

Những nhân tố có thể tác động tiêu cực đến mối quan hệ Nga-EU trong năm 2019 là sự gia tăng căng thẳng ở Donbass và biển Azov.

Quan hệ Nga-Ukraine khó lường trước thềm bầu cử

Trong năm 2019, việc thực hiện các thỏa thuận Minsk về giải quyết xung đột ở khu vực Donbass nhìn chung sẽ không tiến triển, trong khi khả năng xuất hiện những sáng kiến mới trong các cuộc đàm phán về vấn đề này là khá thấp.

[Liên minh Nga-Trung Quốc qua góc nhìn tạp chí National Interest]

Giám đốc Viện Chiến lược Toàn cầu Ukraine Vadim Karasev cho biết nội dung đàm phán giờ đã được mở rộng, không chỉ bao gồm vấn đề Donbass mà cả vấn đề biển Azov và biển Đen. Tình hình liên quan đến thủy thủ đoàn trên 3 tàu chiến Ukraine bị Nga bắt giữ ngày 25/11/2018 vẫn chưa được giải quyết. Do đó, triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine ngày càng mờ mịt và khó có thể trông chờ tình hình tiến triển trước thềm cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine (dự kiến vào ngày 31/3/2019).

Quan hệ Nga-Syria bước vào giai đoạn mới

Năm 2019 sẽ tiếp tục chứng kiến sự chuyển đổi từ giai đoạn chiến tranh sang đàm phán chính trị tại Syria. Nhờ sự hỗ trợ của Nga và Iran, quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Syria. Tiến trình thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria đang diễn ra với nhiệm vụ soạn thảo một Hiến pháp mới cho quốc gia này.

Sau khi Hiến pháp được thông qua, sẽ có 18 tháng để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống. Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng phiên họp đầu tiên của Ủy ban Hiến pháp Syria sẽ diễn ra vào đầu năm 2019.

Chuyên gia của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế Grigory Lukiyanov nhận định Nga có một lợi thế mà không nước nào có được, đó là khả năng đàm phán với hầu hết các bên trung gian cũng như các bên trực tiếp tham gia cuộc xung đột tại Syria.

Tuy nhiên, Nga cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng giữa các cường quốc tại Syria trong năm 2019. Iran ngày một gia tăng ảnh hưởng, đang hợp pháp hóa sự hiện diện của họ bằng cách đầu tư vào nền kinh tế Syria cũng như mua bất động sản tại Syria.

Cuộc cạnh tranh này đang kéo theo cả Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và Ai Cập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục