Sau khi xảy ra nhiều sự kiện bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2016, các chuyên gia phân tích cho rằng Ankara trong năm tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, an ninh và đối ngoại.
Kể từ cuối tháng Chín vừa qua, đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ (lira) đã mất 15% giá trị so với đồng USD.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với những vấn đề về cơ cấu như thâm hụt tài khoản vãng lai, lãi suất tiết kiệm rất thấp, năng suất lao động thấp, các công ty quy mô nhỏ chiếm ưu thế, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển bị cắt giảm…
Mỗi năm, quốc gia này còn phải vay hơn 200 tỷ USD từ bên ngoài để trả nợ và "bôi trơn" hoạt động kinh tế.
Mặc dù ngày 9/12 vừa qua, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố một gói kích cầu nhằm khôi phục kinh tế, nhưng nhiều người cho rằng gói kinh tế này không đủ để ngăn đà sụt giảm của đồng lira.
Trước tình trạng kinh tế ảm đạm như vậy, giới chuyên gia cảnh báo nếu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không áp dụng các biện pháp thúc đẩy sản xuất và củng cố luật pháp thì nước này sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trong năm tới.
Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bằng 0 hoặc thậm chí là âm trong quý 3/2017.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội thuộc trường Đại học Bahcesehir (BETAM) của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Seyfettin Gursel, cho biết thu nhập bình quân đầu người ở nước này đã giảm từ 4% trong giai đoạn 2003-2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2012.
Theo ông, con số này sẽ tiếp tục giảm trong năm 2017 và thậm chí cả năm sau nữa.
Tuy nhiên, theo ông Gursel, sẽ không xảy ra khủng hoảng kinh tế quy mô lớn nếu các chính sách kinh tế không vấp phải những sai lầm lớn và các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) chưa đi đến hồi kết.
Ngoài các vấn đề kinh tế, năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ còn phải đối mặt với không ít thách thức trong lĩnh vực ngoại giao, trong bối cảnh quan hệ của nước này với nhiều láng giềng và đồng minh rơi vào tình trạng tồi tệ.
Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, Iraq và Ai Cập đang rất căng thẳng, trong khi Iran vẫn không hài lòng về hành động của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lực lượng đối lập chống Chính phủ Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng mới chỉ hàn gắn quan hệ với Israel và Nga từ giữa mùa Hè vừa qua. Ông Faruk Logoglu, một nhà ngoại giao từng giữ chức vụ cao trong Bộ Ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng Ankara đã phạm phải một loạt sai lầm, dẫn tới làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ với cộng đồng châu Âu-Đại Tây Dương và làm mất những người bạn ở Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tự đẩy mình vào thế ngày càng xa cách với các đồng minh truyền thống phương Tây như Mỹ và EU sau khi cáo buộc một số nước EU như Đức và Bỉ bảo trợ khủng bố và tội phạm, còn Mỹ cung cấp vũ khí cho Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria.
Ngược lại, EU đã chỉ trích hành động trấn áp của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành hồi trung tuần tháng Bảy vừa qua.
Bên cạnh đó, an ninh cũng sẽ tiếp tục là vấn đề đáng báo động khi các vụ khủng bố và tấn công liều chết liên tiếp xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Mới nhất là vụ đánh bom kép tại thành phố Istanbul vào đêm 10/12, làm hơn 200 người thương vong./.