Hội nghị thượng đỉnh G7: Mỹ viện trợ quân sự 375 triệu USD cho Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ gói viện trợ quân sự trị giá 375 triệu USD giúp Ukraine sẽ bao gồm đạn dược, pháo binh, phương tiện thiết giáp và các chương trình đào tạo, huấn luyện.
Hội nghị thượng đỉnh G7: Mỹ viện trợ quân sự 375 triệu USD cho Ukraine ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản ngày 21/5/2023. (Ảnh: AP)

Ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 375 triệu USD giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ.

Tại cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các Nước Công nghiệp Phát triển (G7) ở Hiroshima (Nhật Bản), Tổng thống Biden nêu rõ gói viện trợ quân sự này sẽ bao gồm đạn dược, pháo binh, phương tiện thiết giáp và các chương trình đào tạo, huấn luyện.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với chương trình huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16.

Chương trình này do Mỹ phối hợp thực hiện với các quốc gia đồng minh và đối tác.

Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022, cho đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các khoản viện trợ quân sự có tổng trị giá 37 tỷ USD.

Trước đó, ngày 19/5, Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã ra tuyên bố chung về Ukraine.

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G7 cho biết sẽ tiếp tục thực hiện cam kết cung cấp viện trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao theo đề nghị của Ukraine cho tới khi nào còn cần thiết, đồng thời áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tuyên bố cũng kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine.

Hội nghị thượng đỉnh G7: Mỹ viện trợ quân sự 375 triệu USD cho Ukraine ảnh 2Các đại biểu tham dự cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản ngày 21/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng ngày 19/5 xác nhận Tổng thống Biden đã thông báo với các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về việc Washington ủng hộ kế hoạch đào tạo phi công Ukraine sử dụng các loại chiến đấu cơ tiên tiến, trong đó có những chiếc tiêm kích F-16.

Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo G7 được lắng nghe quan điểm của Tổng thống Mỹ ủng hộ kế hoạch đào tạo các phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16.

Trước đó trong tuần, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte đã cam kết thành lập “liên minh quốc tế” để ủng hộ chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine.

[Tổng thống Ukraine Zelensky bắt đầu gặp các nhà lãnh đạo G7]

Hôm 15/5, ông Sunak tuyên bố Anh đang chuẩn bị mở trường huấn luyện bay để đào tạo các phi công Ukraine. Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đưa ra đề nghị tương tự, song loại trừ khả năng cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine.

Anh hiện là quốc gia hỗ trợ quân sự cho Ukraine lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong năm 2022, Anh đã hỗ trợ 2,3 tỷ bảng Anh cho Ukraine và giúp huấn luyện 15.000 binh sỹ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Anh đã cung cấp các trang thiết bị quân sự cho Ukraine, bao gồm một phi đội xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2, pháo tự hành, hàng trăm xe bọc thép và tên lửa bao gồm Starstreak và Storm Shadow.

Đức cũng là nước thành viên G7 cung cấp nhiều khoản viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Hội nghị thượng đỉnh G7: Mỹ viện trợ quân sự 375 triệu USD cho Ukraine ảnh 3Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động đa nòng (HIMARS) mà Mỹ viện trợ cho Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau cuộc hội đàm ngày 14/5 tại Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra Tuyên bố chung, trong đó, Berlin khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ chừng nào Kiev còn thấy cần thiết.

Tuyên bố nhấn mạnh Đức đã có những đóng góp quân sự đa dạng và mạnh mẽ chưa từng có cho Ukraine, cung cấp một hoạt hệ thống vũ khí - bao gồm các hệ thống vũ khí và tên lửa phòng không chất lượng cao và hiệu quả, xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 và Leopard 2, xe chiến đấu bộ binh Marder, xe bọc thép, hệ thống pháo, giám sát trên không và radar phát hiện pháo binh cùng hàng tấn đạn dược cho xe chiến đấu, pháo, đạn phòng không và các loại đạn khác.

Đức và Ukraine cũng đã hợp tác thiết lập cơ sở sửa chữa và bảo trì cho các hệ thống vũ khí chuyển giao.

Trong năm 2023 và sau đó, Đức dự kiến viện trợ tổng cộng hơn 11 tỷ euro cho Ukraine nhằm tiếp tục hỗ trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu.

Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố việc Mỹ và phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ khiến cuộc xung đột càng kéo dài, đồng thời các loại vũ khí này sẽ trở thành “những mục tiêu quân sự hợp pháp” của Moskva./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục