Hợp tác Anh-Mỹ sẽ 'giải cứu' quan hệ xuyên Đại Tây Dương?

Chỉ 1 tháng kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, đã có những mối liên kết đáng kể trong quan hệ Anh-Mỹ và sự liên kết này có thể định hình lại quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong thời gian tới.
Hợp tác Anh-Mỹ sẽ 'giải cứu' quan hệ xuyên Đại Tây Dương? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: klimexcm.com)

Khi ông Joe Biden được bầu làm tổng thống Mỹ, nhiều nhà quan sát nhận định rằng Anh sẽ phải “vật lộn” để thiết lập mối quan hệ thân thiết với ông, đồng thời các nhà ngoại giao Anh lo sợ bị chính quyền Mỹ mới gạt sang một bên - đặc biệt là khi ông Biden đã gọi Thủ tướng Anh Boris Johnson là một “bản sao về thể chất và cảm xúc của ông Donald Trump."

Tuy nhiên, theo nhận định của 2 chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế Leslie Vinjamuri và Hans Kundnani thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House (Anh), chỉ 1 tháng kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, đã có những mối liên kết đáng kể trong quan hệ Anh-Mỹ và sự liên kết này có thể định hình lại quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong thời gian tới.

Anh đã âm thầm tiến hành chiến dịch nhằm đảm bảo một thỏa thuận thương mại và 2 nước đã thống nhất với nhau về một chương trình nghị sự tập trung vào các giá trị chung, ý thức chung về mục đích toàn cầu và sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự cũng như các biện pháp trừng phạt có mục tiêu để ngăn chặn các đối thủ địa chính trị.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là Đức, đang chứng tỏ là một đối tác khó khăn đối với Mỹ bất chấp những dự đoán rằng Tổng thống Biden sẽ tập trung vào Berlin hơn là London.

Trong một bài báo nghiên cứu được công bố trước cuộc bầu cử năm ngoái, Viện Chatham House nhận định rằng “mặc dù có bản năng hợp tác chặt chẽ với Đức, nhưng chính quyền Biden có thể thấy rằng Anh là đối tác hữu ích hơn trong việc đạt được các mục tiêu của mình đối với Trung Quốc và có lẽ trong cả các lĩnh vực khác nữa.”

Tuy nhiên, vượt xa hơn dự đoán, điều này lại diễn ra quá nhanh chóng.

Anh cứng rắn hơn với Trung Quốc

Sự liên kết giữa Anh và Mỹ để đối phó với Trung Quốc cho đến nay là rất đáng  chú ý.

Trong năm 2020, ngay cả trước khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ, Anh đã hướng tới cách tiếp cận ngày càng diều hâu với Trung Quốc khi củng cố lập trường trong việc loại dần Huwei ra khỏi thị trường 5G của Vương quốc Anh và đáng chú ý hơn là cho phép 350.000 cư dân Hong Kong định cư tại Anh bất chấp những cảnh báo của Trung Quốc về việc tránh can thiệp vào “vấn đề nội bộ” nước này.

[Mỹ-Anh nhất trí đình chỉ 4 tháng các khoản thuế trả đũa của Anh]

Anh đã đăng ký tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong khi chính quyền ông Biden bị hạn chế bởi Quốc hội phản đối các thỏa thuận thương mại khu vực mới.

Anh cũng đã có sáng kiến trong việc phát triển hợp tác giữa các nền dân chủ bằng cách đề xuất ý tưởng về nhóm D10 của các nền dân chủ lớn.

Với tư cách là nước Chủ tịch Nhóm các nước phát triển G7 năm 2021, Anh đã mời Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7, dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2021.

Cách tiếp cận này phù hợp với ý tưởng của Tổng thống Joe Biden về Hội nghị Thượng đỉnh các nền dân chủ, mặc dù một số quan chức Anh thích nói về “xã hội mở” hơn là "dân chủ."

Anh cũng cho thấy nước này đã sẵn sàng để hỗ trợ các ý tưởng của mình bằng sức mạnh quân sự khi thông báo tăng chi tiêu quốc phòng lên 4 tỷ bảng Anh/năm trong vòng 4 năm tới. Đây là mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất của Anh kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Anh dường như cũng đã chuẩn bị trước việc sử dụng các nguồn lực quân sự, như Nhóm tàu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ được triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào giữa năm 2021.

Sự liên kết giữa Anh và Mỹ đặc biệt nổi bật trong giai đoạn hiện nay với thực tế rằng mặc dù có nhiều hy vọng về một mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mới, tập trung vào mối quan hệ giữa EU và Mỹ, nhưng EU lại có cách tiếp cận khác với Anh và Mỹ.

Đức, dự kiến sẽ là đối tác ưu tiên của chính quyền ông Biden ở châu Âu, đã gây ra khó khăn khi thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc và xúc tiến dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 gây tranh cãi.

Đã có nhiều tranh luận về việc Anh sẽ tách khỏi EU bao xa sau Brexit, đặc biệt là trong các vấn đề như viện trợ nhà nước.

Nhưng rõ ràng, đang thực sự có “sự khác biệt về bức tranh lớn” giữa EU và Anh bởi hai bên đang có những cách tiếp cận khác biệt đáng kể đối với các vấn đề địa chính trị như Trung Quốc.

Cả Anh và Mỹ đều vẫn cần châu Âu trong nhiều vấn đề, đặc biệt là an ninh châu Âu, vì vậy hy vọng của một số người ở London là Anh và Mỹ sẽ thúc đẩy các nỗ lực, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt kinh tế.

EU thường đi sau Mỹ và Anh trong việc đưa các biện pháp trừng phạt, nhưng hy vọng này có thể là quá lạc quan, đặc biệt là bởi nó đã xem nhẹ quyết tâm rõ ràng của EU là đi theo một hướng khác với Anh và Mỹ, mặc dù EU phụ thuộc vào Mỹ và Anh trong nỗ lực đảm bảo an ninh của mình (NATO)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục