Hungary kêu gọi EU đảm bảo công bằng trong gói cứu trợ kinh tế

Bộ trưởng Tư pháp Hungary cho rằng EU không thể để bất cứ nước thành viên nào bị bỏ lại phía sau, điều này có nghĩa là gói cứu trợ của EU phải đảm bảo tính công bằng và cân bằng.
Hungary kêu gọi EU đảm bảo công bằng trong gói cứu trợ kinh tế ảnh 1Khách hàng dùng bữa tại một nhà hàng ở Budapest, Hungary. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính phủ Hungary đang hối thúc Liên minh châu Âu (EU) đảm bảo công bằng trong gói cứu trợ phục hồi kinh tế dành cho các nước thành viên do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuyên bố này được Bộ trưởng Tư pháp Judit Varga đưa ra ngày 17/6 sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến Hội đồng các vấn đề chung EU diễn ra 1 ngày trước đó.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Varga cho rằng nếu muốn giành được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên về khuôn khổ tài chính đa niên và quỹ phục hồi kinh tế của khối, EU không thể để bất cứ nước thành viên nào bị bỏ lại phía sau. Điều này có nghĩa là gói cứu trợ của EU phải đảm bảo tính công bằng và cân bằng.

Bà Varga cũng nhấn mạnh hồi tuần trước, lãnh đạo 4 nước Visegrad (Nhóm V4 gồm Cộng hòa Séc, Slovakia, Ba Lan và Hungary) đã ra tuyên bố chung về vấn đề trên và đây là cơ sở quan trọng.

[Nhóm Visegrad kêu gọi phân bổ công bằng quỹ phục hồi kinh tế EU]

Bộ trưởng Tư pháp Hungary cho rằng sự phục hồi kinh tế của các nước thành viên EU ở Trung và Đông Âu phụ thuộc vào chính sách gắn kết của khối vì chính sách này đã chứng tỏ được hiệu quả và tạo ra giá trị gia tăng ở châu Âu.

Liên quan tới tình hình dịch COVID-19, hãng thông tấn Séc ngày 17/6 dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng thành phố Praha Vit Hofman cho biết khoảng 40 chính trị gia và quan chức tham dự cuộc họp của Hội đồng thành phố Praha vào ngày 16/6 có thể sẽ bị cách ly sau khi Phó Thị trưởng thành phố Praha Petr Hlubucek có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Việc Phó Thị trưởng Praha có xét nghiệm dương tính với COVID-19 gây quan ngại cho Hạ viện Séc vì Hội đồng thành phố Praha hiện có 2 đại diện trong Hạ viện.

Chủ tịch Hạ viện Séc Radek Vondracek coi sự việc này là “rủi ro” và kêu gọi các nghị sỹ cần phải đeo khẩu trang.

Đến nay, Séc đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc COVID-19, trong đó Praha có số ca nhiễm nhiều nhất với hơn 2.300 trường hợp. Theo số liệu của Bộ Y tế Séc, tỷ lệ ca mắc COVID-19 ở Praha là 176/100.000 dân.

Chính phủ Phần Lan sẽ nới lỏng hạn chế đối với các nhà hàng và quán càphê kể từ ngày 22/6, song cũng cảnh báo sẽ áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nếu tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 xấu đi.

Trao đổi với báo giới ngày 17/6, Bộ trưởng các vấn đề gia đình và xã hội Krista Kiuru cho biết bắt đầu từ ngày 22/6 tới, các nhà hàng và quán càphê trong cả nước sẽ được phép mở cửa đến 2 giờ sáng và được bán rượu đến 1 giờ sáng.

Từ 1/6, các nhà hàng và quán càphê tại Phần Lan đã được phép mở cửa trở lại, nhưng phải đóng cửa lúc 23 giờ đêm và ngừng bán rượu từ 22 giờ đêm.

Các nhà hàng cũng được phép nâng công suất đón khách từ 50% lên 75% và có thể cung cấp dịch vụ tiệc ăn tự chọn.

Bộ trưởng Kiuru cho biết thêm các nhà hàng có thể đón khách hết công suất bắt đầu từ giữa tháng 7 tới nếu tình hình dịch bệnh không xấu đi.

Tuy nhiên, Chính phủ Phần Lan vẫn tiếp tục duy trì các hạn chế về tụ tập đông người cho tới ngày 1/8, theo đó một sự kiện trong nhà chỉ được tối đa 50 người tham dự và còn số này là 500 người đối với một sự kiện ngoài trời.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết Nội các nước này dự kiến sẽ đánh giá lại các hạn chế về du lịch vào ngày 23/6 tới.

Hiện Phần Lan chỉ miễn cách ly đối với người nhập cảnh từ Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Estonia, Latvia và Litva.

Tính đến chiều 17/6, Phần Lan ghi nhận 7.117 ca mắc COVID-19 với 326 trường hợp tử vong.

Hungary kêu gọi EU đảm bảo công bằng trong gói cứu trợ kinh tế ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu công dân tại 3 thành phố Istanbul, Ankara và Bursa phải đeo khẩu trang khi ra ngoài nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.

Chính phủ nước này sẽ cân nhắc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận số trường hợp mắc COVID-19 gia tăng, nhưng vẫn duy trì việc nới lỏng các hạn chế nhằm phục hồi kinh tế.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các chuyến bay nội địa, nhà hàng và quán càphê hoạt động trở lại từ tháng 6. Lệnh buộc người dân phải ở nhà vào cuối tuần cũng được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, các ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này đã tăng gần gấp đôi lên tới 1.500 trường hợp/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục