Italy- 'kép chính' điều tiết quan hệ giữa NATO và Liên minh châu Âu

Italy có khả năng đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy cách tiếp cận hài hòa của Liên minh châu Âu về mặt quân sự trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện nay.
Italy- 'kép chính' điều tiết quan hệ giữa NATO và Liên minh châu Âu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Aa.com.tr)

Bài viết của tác giả Stefano Pioppi trên trang formiche.net (Italy) đã điểm lại một số động thái mới nhất của chính giới Italy, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cho thấy Italy có khả năng đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy cách tiếp cận hài hòa của EU về mặt quân sự trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện nay.

Nội dung bài viết như sau:

Bộ trưởng Quốc phòng Italy Lorenzo Guerini và Tổng giám đốc Tập đoàn Leonardo (Italy) Alessandro Profumo cùng mang tới Diễn đàn An ninh Vacsava (Warsaw) đường lối của Italy liên quan chủ đề Quốc phòng châu Âu: Cần hợp lực đầy đủ với NATO, song phải đánh giá một cách chiến lược về mối hợp lực này.

Đây cũng là đường lối đang được chính giới hai bờ Đại Tây Dương đồng thanh khẳng định, với việc Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (cũng như Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen) đưa ra trong những tuyên bố ủng hộ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì thể hiện sự nhất trí với Macron trong khi Thủ tướng Italy Mario Draghi đang dẫn dắt một cuộc tranh luận về chủ đề này.

Sự đồng điệu trong quan điểm

Bộ trưởng Lorenzo Guerini là người phát biểu mở màn cho phiên thảo luận liên quan “mặt trận phía Nam,"trong khi Tổng giám đốc Tập đoàn Leonardo Alessandro Profumo được giao khởi động phiên thảo luận bàn tròn về công nghiệp.

Trong cả hai sự kiện, các khách mời từ Italy đã cho thấy sự khẳng định về quan điểm của nước này đối với chủ đề Quốc phòng châu Âu, thừa nhận đó là nhu cầu cần phải hiện thực hóa song phải tránh gây chồng chéo với NATO. Trong khi đó tại Washington, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đề cập đến đường lối của NATO với nội hàm gần như đồng nhất với Italy.

Tại thủ đô Paris của Pháp, Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken lại cam đoan với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng Mỹ “chắc chắn ủng hộ nền quốc phòng châu Âu và các sáng kiến an ninh” nhưng được hiểu như là “sự bổ sung cho NATO," một chủ đề được Tổng thống Mỹ Joe Biden hết sức thúc đẩy.

Phát biểu khi đang trong chuyến thăm tới Slovenia, Chủ tịch Hội động châu Âu Charles Michel cho rằng: “Chúng tôi xem NATO là một trụ cột cho an ninh, đồng thời chúng tôi cũng hiểu tầm quan trọng của việc có thể hành động một cách tự chủ và nhất quán với các đồng minh." Do đó, một tuyên bố chung mới giữa EU-NATO sẽ được giới thiệu trong năm 2021, cũng với mục đích tạo sự đồng bộ trong quá trình đánh giá chiến lược mà cả hai bên đang đồng thời tiến hành.

Đường lối của Italy

Cùng với uy tín quốc tế nổi bật của Thủ tướng Mario Draghi, Italy đang tự thể hiện vai trò dẫn dắt trong cuộc tranh luận này. Gần đây, ông Draghi khá quan tâm quốc phòng châu Âu, trong đó cho thấy một quan điểm thực tế: “Rõ ràng là cần phải chi tiêu nhiều hơn."

Mới đây, Bộ trưởng Guerini cũng muốn “rõ ràng,"đồng thời khẳng định “vấn đề thúc đẩy phát triển và sở hữu những năng lực quân sự của châu Âu, mục tiêu mà Italy đang tin tưởng theo đuổi, phải được mô tả như hành động tự nhiên và nhất quán để tăng cường trụ cột châu Âu trong Liên minh Đại Tây Dương, nhằm cho phép châu Âu đóng góp thiết thực và hiệu quả vào an ninh, ổn định toàn cầu."

Theo ông Guerini, “trong vấn đề tăng cường mối quan hệ giữa NATO và EU, nỗ lực của chúng ta phải được thể hiện như sự khẳng định nguyên tắc bổ trợ với NATO và tính không thể tách rời của mối quan hệ bền vững xuyên Đại Tây Dương, trong đó nền an ninh tập thể của chúng ta được đảm bảo."

Những triển vọng về công nghiệp

Tổng Giám đốc Tập đoàn Leonardo Alessandro Profumo đã trình bày về “sự hội nhập trong NATO và sự hợp tác trong EU nhằm phát triển những năng lực mới,"những yếu tố mang đến “cơ hội thuận lợi cho Italy và Tập đoàn Leonardo."

Thực tế, “chúng ta có thể cùng nhau xây dựng cầu nối giữa EU và NATO, biến những giá trị được tất cả chúng ta công nhận trở nên bền vững."

Liên quan đến EU, nhà quản lý này nhấn mạnh “cần phải xác định một lộ trình chiến lược chung để đảm bảo chủ quyền công nghệ và sự tự chủ chiến lược của châu Âu, một dạng thỏa thuận giúp phát triển những năng lực quốc gia đặc thù, đồng thời thúc đẩy một tầm nhìn xuyên Đại Tây Dương trong dài hạn." Đó là cách tiếp cận chung “nhằm tạo ra một lực lượng đa quốc gia hội nhập và không thay thế cho NATO; một lực lượng có khả năng đảm bảo hòa bình, quản lý khủng hoảng và tiến hành các sứ mệnh nhân đạo."

[Nỗ lực hạn chế cắt giảm ngân sách quân sự tại châu Âu]

Một mô hình dự kiến ra đời mang tên Strategic compass (la bàn chiến lược), sẽ tạo nên sự đồng nhất quan điểm cho những sáng kiến của EU (dự thảo đầu tiên sẽ được giới thiệu vào tháng 11 tới).

Trong mọi trường hợp, ông Profumo cho biết “ngoài tầm nhìn về nền quốc phòng hội nhập, cần phải khẳng định hai yếu tố: nỗ lực chung cho sự hợp tác giữa các nước và quyết tâm thúc đẩy các liên minh, bảo tồn và tăng cường các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn liên quan."

Giao thoa quan điểm giữa NATO và EU

Trùng hợp thời điểm tổ chức Diễn đàn an ninh Vacsava tại Ba Lan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg có chuyến thăm tới Mỹ và phát biểu tại Viện Brookings và Đại học Georgetown. Ông Stoltenberg cho biết sẵn sàng “ủng hộ những nỗ lực của EU về mặt quốc phòng," bao gồm những nỗ lực ra đời dựa trên lời kêu gọi của NATO trong những năm gần đây.

Mặt khác, ông khẳng định chắc chắn 80% mức chi tiêu dành cho quốc phòng của NATO hiện đến từ các nước ngoài EU. Do đó, “tôi tin rằng EU và các đồng minh châu Âu của NATO có thể nỗ lực hơn nữa để cung cấp những năng lực ưu việt và chúng tôi hoan nghênh ủng hộ những nỗ lực đó."

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Tôi không tin là đang có nỗ lực nhằm hiện thực hóa một điều gì đó nằm ngoài khuôn khổ NATO và gây ra sự cạnh tranh hoặc trùng dẫm với NATO." Ông cảnh báo: “Bất cứ ý tưởng nào làm suy yếu mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bằng cách tạo ra các cấu trúc thay thế, đồng thời phát đi thông điệp rằng chúng ta có thể tự thân hành động, thì không chỉ sẽ làm suy yếu NATO mà còn gây chia rẽ cả châu Âu. Tại sao ư? Tại vì NATO vẫn là nền móng cho an ninh châu Âu."

Đáng chú ý, những ngôn từ này lại được sử dụng đồng thời bởi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, đúng lúc Ngoại trưởng Tony Blinken mang tới Paris sự nhất trí của Mỹ về chủ đề này. Cuối cùng thì khuôn khổ tham vọng của nền quốc phòng châu Âu cũng đang bộc lộ? Nếu vậy, Italy có thể sẽ là đóng một vai chính.

Những phát biểu của Thủ tướng Draghi

Ông Draghi đã khởi động cuộc tranh luận về vấn đề quốc phòng châu Âu bằng việc đưa ra một góc nhìn rất thực tế: “Việc rút quân khỏi Afghanistan như kiểu đã được quyết định, được thông báo và được thực hiện; rồi việc thay đổi ý định liên quan hợp đồng đóng tàu ngầm giữa Australia với Pháp cũng như cách thức sự thay đổi đó được thông báo từ phía Australia, là hai thông điệp rất mạnh mẽ cho chúng ta thấy dường như NATO đang ít chú ý đến châu Âu và các khu vực lợi ích của châu Âu để hướng sự quan tâm đến các khu vực khác trên thế giới."

Do đó, vấn đề là "nhiều nước đã là thành viên NATO và đều mong muốn duy trì tư cách đó, nhưng cần phải có sự đánh giá nhằm xác định EU có thể làm gì để góp phần hướng lái những lựa chọn của NATO; liệu các nước thành viên có thể tăng cường phối hợp quan điểm về những vấn đề cần quyết định trong NATO không?'"

Và câu trả lời dành cho Stoltenberg

Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Draghi cũng hồi đáp trực tiếp phát biểu trước đó của Tổng Thư ký NATO Stoltenberg: “Tôi không tin rằng đang có bất cứ điều gì đó hình thành bên ngoài NATO để gây suy yếu NATO và châu Âu."

Ông bổ sung rằng ý tưởng đó “nảy sinh bởi vì nhiều nước, nếu không nói là tất cả, có cảm giác đã mất đi lợi ích địa chính trị trong NATO; cần phải làm điều gì đó trên mặt trận này; tôi không tin điều đó gây suy yếu NATO mà ngược lại sẽ bổ sung cho những hành động của NATO."

Trước đây, ý tưởng đó đã được thúc đẩy bởi các chuyên gia, một kiểu phân định phạm vi hoạt động: “Điều đó có thể áp dụng trong các phần khác của bàn cờ địa chính trị mà trong đó NATO không thể can thiệp."

Trên cùng đường hướng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng bày tỏ quan điểm: “Có những trường hợp chúng ta sẽ không thấy sự hiện diện của NATO” và lúc đó “việc EU đủ khả năng hành động trở thành điều cần thiết."

Bà Leyen bình luận: “NATO là một liên minh quân sự mạnh nhất thế giới và EU sẽ không bao giờ là một liên minh quân sự"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục