Quan hệ Nga-EU đến năm 2030 : Có trở thành "đối tác lạnh"?

Mạng lưới chuyên gia EU-Nga (EUREN) - gồm khoảng 40 chuyên gia từ khắp nước Nga và 14 quốc gia thành viên của EU - đã công bố 4 kịch bản cho tương lai quan hệ EU-Nga.
Quan hệ Nga-EU đến năm 2030 : Có trở thành "đối tác lạnh"? ảnh 1(Nguồn: eu-russia-expertnetwork.eu)

Trang mạng Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) mới đây có bài viết dự đoán về các kịch bản cho quan hệ Nga-Liên minh châu Âu (EU) đến năm 2030.

Theo bài viết, vào tháng 11/2020, mạng lưới chuyên gia EU-Nga (EUREN) - gồm khoảng 40 chuyên gia từ khắp nước Nga và 14 quốc gia thành viên của EU - đã công bố 4 kịch bản cho tương lai quan hệ EU-Nga:

Kịch bản 1: “Đối tác lạnh” trong thế giới đa cực. Nga và EU quay trở lại hợp tác sâu rộng trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và tự do hóa thị trường, song vẫn tồn tại nhiều khác biệt về các vấn đề an ninh châu Âu.

Kịch bản 2: “Rơi vào tình trạng hỗn loạn.” Các đồng minh cũ xung đột sau đại dịch COVID-19 và họ được các đối thủ của nhau như Trung Quốc, Mỹ và Nga hỗ trợ.

Kịch bản 3: Châu Âu “bên bờ vực chiến tranh.” Phương Tây đoàn kết và củng cố sức mạnh định hướng đối đầu quân sự với “pháo đài Nga”

Kịch bản 4: “Cộng đồng giá trị”. Một nước Nga cải cách thống nhất và một EU vững mạnh trên trường quốc tế, được đặc trưng bởi những tiến bộ trong giải quyết các cuộc xung đột ở các quốc gia láng giềng và chủ nghĩa đa phương trỗi dậy.

Một năm trước, hầu hết các chuyên gia trong số 40 chuyên gia của mạng lưới nói trên đều cho rằng kịch bản “đối tác lạnh” sẽ nhiều khả năng xảy ra nhất. Ít người cho rằng EU và Nga sẽ rơi vào tình trạng “hỗn loạn” hoặc “bên bờ vực chiến tranh.”

Nói cách khác, xung đột vũ trang khó có khả năng xảy ra nhưng không thể loại trừ. Không có ai trong EUREN tin vào kịch bản “cộng đồng các giá trị”. Tuy nhiên, để quan hệ “đối tác lạnh” có thể thành hiện thực vào năm 2030, cần rất nhiều yếu tố để đảo chiều sự tiêu cực trong mối quan hệ này.

Một kịch bản giả định rằng EU sẽ trở nên mạnh mẽ và đoàn kết hơn sau đại COVID-19. Theo đó, Brussels sẽ tích cực hơn trong chính sách đối ngoại và an ninh. Ở Nga, sự phản đối mạnh mẽ hơn sẽ thúc đẩy giới lãnh đạo chính trị tiến hành một số cải cách chính trị và kinh tế. Điều này làm thay đổi logic chính sách đối ngoại của Moskva và mở ra các cơ hội hợp tác mang tính xây dựng với EU, bao gồm cả cuộc xung đột ở Donbass.

[Mối quan hệ EU-Nga: Băng giá vẫn không thể tan giữa mùa Hè]

Khi đó, cả 2 bên đều có khả năng tìm ra con đường để vượt qua những sóng gió của cuộc cạnh tranh toàn cầu Mỹ-Trung. Tuy nhiên, rất ít sự kiện đã xảy ra từ tháng 11/2020 đến nay cho thấy kịch bản này. Chuyến thăm đầu tiên của Đại diện cấp cao EU phụt trách các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh Josep Borrell tới Moskva đã kết thúc bằng thảm họa ngoại giao.

Điều này đã tạo nên không khí nặng nề cho quan hệ EU-Nga trong phần còn lại của năm, bao gồm cả báo cáo về sự “kiềm chế Nga” mà Brussels trình bày với lãnh đạo các quốc gia và chính phủ EU. Một cuộc tranh cãi về can thiệp và gián điệp đã nổ ra giữa một bên là Cộng hòa Séc và Bulgaria, và bên kia là Nga.

Kết quả là Cộng hòa Séc cùng với Mỹ đã bị Nga đưa vào danh sách các quốc gia “không thân thiện” vào tháng 5/2021. EU và Nga đã bất đồng về các sự kiện diễn ra tại Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi vào tháng 8/2020 và sự cố với máy bay Ryanair vào tháng 5/2021.

Căng thẳng xung quanh cuộc xung đột ở Donbass, biển Azov và bán đảo Crime tiếp tục gia tăng, càng làm giảm cơ hội thực thi thỏa thuận Minsk.

Căng thẳng giữa Moskva và Washington không hề giảm đi sau lễ nhậm chức tổng thống Mỹ của ông Joe Biden. Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Biden vào tháng 6/2021 đã kết thúc bằng việc nối lại các cuộc đàm phán ngoại giao về ổn định chiến lược, an ninh mạng và một loạt vấn đề khác.

Tuy nhiên, những cuộc tham vấn này giữa 2 bên vẫn chưa mang lại các kết quả rõ ràng. Vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn trong các vấn đề quan trọng. Hơn nữa, Washington gia tăng chính sách trừng phạt sau Hội nghị thượng đỉnh Geneva. Việc phương Tây rút khỏi Afghanistan đã khiến nhiều người ở Moskva cho rằng đây là một trong những chỉ báo cho thấy sự bá quyền đơn phương của Mỹ đã đến hồi kết thúc.

Nhưng điều này cũng làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về tình hình an ninh ở khu vực Trung Á, và tất nhiên, không có nghĩa là làm cho tình hình bớt phức tạp hơn. Quyết định đơn phương của Washington về việc rút quân khỏi Afghanistan và sự sụp đổ sau đó của chính phủ ở Kabul đã khiến nhiều quốc gia EU thất vọng và phủ bóng đen lên sự hồi sinh của các mối quan hệ xuyên Đại Dương.

Điều tương tự cũng xảy ra với liên minh mới của Washington là AUKUS. Hiện còn chưa biết sự cạnh tranh mang tính hệ thống giữa Washington và Bắc kinh sẽ phát triển đến đâu và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, quan hệ EU-Nga và an ninh của châu Âu trong thời gian tới.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: Nga và EU đã thất bại trong việc tìm ra con đường hiệu quả để hợp tác chống lại mối đe dọa trực tiếp nhất đối với nhân loại: đại dịch COVID-19. Ngược lại, các chính sách về đại dịch và tiêm chủng lại được bổ sung thêm vào danh sách dài những vấn đề tranh cãi.

Ngoài ra, đại dịch đã làm gián đoạn mối liên hệ giữa người dân của EU và người dân của Nga. Chính phủ 2 bên vẫn chưa tìm ra cách gỡ nút thắt này, và về lâu dài, đây có thể là mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và ổn định ở châu Âu.

Các sự kiện nội bộ cũng không có cơ sở để lạc quan. COVID-19 và tác động của nó đối với nền kinh tế sẽ khiến cả 2 bên bị phân tâm đối với các vấn đề nội bộ. Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội (Duma Quốc gia) ngày 19/9/2021 không cho thấy mối quan hệ cởi mở hơn với EU hoặc những cải cách nội bộ.

Ít có khả năng điều này có thể thay đổi trước cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2024, tức là những cải cách của Nga khó có thể diễn ra trong ngắn hạn và trung hạn. Sự mâu thuẫn ngày càng tăng với các quốc gia thành viên EU khác nhau, đặc biệt là với Đức, không phải là dấu hiệu tốt cho mối quan hệ hợp tác giữa EU và Nga trong vài tháng, thậm chí là vài năm tới.

Chính phủ tiếp theo của Đức, được thành lập sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26/9, nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách chỉ trích Nga mà Berlin vẫn thực hiện lâu nay. Sự ra đi của bà Angela Merkel để lại khoảng trống lớn trong quan hệ của Đức/EU với Nga nói riêng và cả Đông Âu nói chung. Hiện chưa rõ chính phủ mới của Đức có tiếp tục đi theo đường lối của bà Merkel hay không.

Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ còn khiến chương trình nghị sự trong quan hệ Nga-Đức thêm phức tạp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải chấp nhận sự thờ ơ của Moskva đối với “sự quyến rũ ngoại giao” của ông vào năm 2019, và câu hỏi đặt ra hiện na là liệu ông có lặp lại nỗ lực này trước hoặc sau cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 5/2022 hay không?

Mặt khác, EU và Nga đã bắt đầu đàm phán nghiêm túc hơn về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các cách tiếp cận chính trị trong lĩnh vực này vẫn khác xa nhau. Nga đang phải đối mặt với những hậu quả ngày càng nghiêm trọng không chỉ của Chính sách xanh châu Âu mà của chính sự biến đổi khí hậu. Điều này mang lại cho các bên những điểm khởi đầu mới cho sự hợp tác.

Quay trở lại với các kịch bản của EUREN, có vẻ như Nga và EU vẫn chưa thể tiến tới mối quan hệ “đối tác lạnh”. Sự bi quan của các chuyên gia EUREN là có lý do: họ đã đi đến kết luận rằng EU và Nga sẽ không thể vượt qua những khác biệt cơ bản trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị của cả 2 bên đều phải chịu trách nhiệm về tương lai của châu Âu và hơn thế nữa. Mặc dù giá trị và mục tiêu chiến lược sẽ tiếp tục khác nhau về cơ bản trong một thời gian dài, nhưng các bên vẫn sẽ cố gắng thực hiện những bước đi nhỏ trong các vấn đề cụ thể để đạt được một vài tiến bộ nhất định.

Biến đổi khí hậu là một chủ đề tốt để bắt đầu những nỗ lực này. Tiếp theo là việc công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của nhau để nối lại sự liên lạc giữa người dân của 2 bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục