Ngày 8/1, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua luật trao quyền tạm thời cho chính phủ đóng cửa các trung tâm thương mại, ngừng hoạt động của phương tiện giao thông công cộng cũng như phạt những người không tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
Đạo luật được phê chuẩn trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang nỗ lực nhằm làm chậm đà lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Không như hầu hết các quốc gia châu Âu khác, cho đến nay, Thụy Điển đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, một phần do chính phủ thiếu khả năng tiếp cận rộng rãi quyền hạn pháp lý để hành động.
Theo hiến pháp, Chính phủ Thụy Điển không được phép "đóng cửa" xã hội trong thời bình.
Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ hai nghiêm trọng hơn so với dự báo, nước này cũng đã bắt đầu siết chặt các biện pháp kể từ tháng 11/2020 với lệnh cấm tụ tập từ 8 người trở lên.
Ngoài ra, từ 7/1, người dân mới bắt buộc phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
[Ireland, Thụy Điển thắt chặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19]
Luật mới, có hiệu lực từ ngày 10/1 tới, sẽ cho phép Chính phủ Thụy Điển hạn chế thời gian mở cửa cửa hàng và trong trường hợp cần thiết, có quyền đóng cửa các doanh nghiệp tư nhân, ngừng hoạt động giao thông công cộng và hạn chế số người ở các khu vực công cộng như công viên.
Hầu hết các trường hợp vi phạm các hạn chế mới đều sẽ bị phạt - điều mà trước đây nước này chưa áp dụng. Tuy nhiên, theo luật mới, chính phủ sẽ không thể áp đặt lệnh giới nghiêm hay cấm đi lại trong nước.
Luật đại dịch đặc biệt sẽ có hiệu lực cho đến tháng 9/2021.
Tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 482.284 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.262 trường hợp tử vong.
Pháp áp lệnh giới nghiêm kéo dài ở Strasbourg, chưa tính đến mở lại các khu trượt tuyết
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kể từ ngày 10/1, thành phố Strasbourg miền Đông nước Pháp - nơi đặt một trụ sở của Nghị viện châu Âu, áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 18h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Như vậy, lệnh giới nghiêm đã được kéo dài so với khung thời gian 18h-20h áp dụng từ đầu tháng này tại 15 tỉnh ở Đông Bắc và Đông Nam nước Pháp.
Phát biểu ngày 7/1, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết chính phủ đang cân nhắc đưa thêm 10 khu vực vào danh sách giới nghiêm. Hiện Paris không nằm trong danh sách này.
Cũng theo Thủ tướng Castex, các nhà hàng tại Pháp tiếp tục phải đóng cửa cho đến ít nhất giữa tháng 2, trong khi các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết không thể mở lại trước kỳ nghỉ dành cho học sinh từ ngày 6/2 do dịch COVID-19 vẫn đang lan nhanh và các bệnh viện trở nên quá tải.
Trong khi đó, phát biểu trên truyền hình cùng ngày, Thứ trưởng Du lịch Pháp Jean-Baptiste Lemoyne cho biết kế hoạch mở cửa trở lại các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch COVID-19 sau ngày 20/1 tới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Pháp ghi nhận 2,73 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 66.800 ca tử vong, mức cao thứ 7 trên thế giới./.