Thổ Nhĩ Kỳ: Phần Lan và Thụy Điển cần hoàn thành cam kết gia nhập NATO

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Phần Lan và Thụy Điển trước hết cần giữ vững cam kết, nếu không quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thông qua thỏa thuận ba bên.
Thổ Nhĩ Kỳ: Phần Lan và Thụy Điển cần hoàn thành cam kết gia nhập NATO ảnh 1Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và người đồng cấp Thuỵ Điển Ann Linde ký bản ghi nhớ trước sự chứng kiến của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái, hàng sau) cùng lãnh đạo ba nước tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha), ngày 28/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 30/6 tuyên bố Thụy Điển và Phần Lan cần phải hoàn thành những cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ - một thỏa thuận để Ankara rút lại quyết định phủ quyết kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của hai quốc gia Bắc Âu, trong đó có cam kết của Stockholm về việc dẫn độ 73 “phần tử khủng bố.”

Phát biểu họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid (Tây Ban Nha), Tổng thống Erdogan cho biết ông coi việc ký kết thỏa thuận ba bên là hành động thừa nhận sự nhạy cảm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chủ nghĩa khủng bố và là một “chiến thắng ngoại giao” dành cho Ankara.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu Phần Lan và Thụy Điển trước hết cần giữ vững cam kết, nếu không quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thông qua thỏa thuận ba bên.

Theo ông, hai quốc gia Bắc Âu cần hoàn thành những thay đổi về lập pháp liên quan đến các phần tử khủng bố một cách sớm nhất có thể.

Ngoài ra, Tổng thống Erdogan cũng khẳng định cần tăng cường các nỗ lực vì một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Ukraine.

[Thổ Nhĩ Kỳ sẽ yêu cầu dẫn độ hơn 30 cá nhân từ Phần Lan và Thụy Điển]

Trước đó, sau cuộc đàm phán kéo dài nhiều giờ giữa các nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Thụy Điển bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO, ba nước hôm 28/6 đã ký một thỏa thuận, trong đó Ankara tuyên bố ủng hộ hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO, đổi lại Helsinki và Stockholm cam kết sẽ không hỗ trợ đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - những tổ chức bị Ankara đặt ngoài vòng pháp luật.

Phần Lan và Thụy Điển cũng khẳng định sẽ không ủng hộ mạng lưới của Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016 và coi đây là tổ chức khủng bố với tên gọi là FETO.

Thỏa thuận trên cũng nêu rõ ba bên sẽ thành lập cơ chế chung nhằm tăng cường hợp tác chống khủng bố và Phần Lan, cũng như Thụy Điển, sẽ thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết nhằm thắt chặt hơn nữa luật pháp trong nước về vấn đề này.

Theo thỏa thuận, hai quốc gia Bắc Âu cũng cam kết sẽ nhanh chóng giải quyết những yêu cầu trục xuất hay dẫn độ mà Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu.

Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ngày 29/6 tuyên bố trong mọi hoạt động dẫn độ, nước này sẽ tuân thủ luật pháp Thụy Điển và quốc tế, trong đó có Công ước châu Âu về dẫn độ.

Tháng trước, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đã bày tỏ ý kiến phản đối, cho rằng Thụy Điển và Phần Lan chứa chấp các đối tượng có liên quan tới PKK và những nhân vật ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Gulen - nhân vật đang sống lưu vong tại Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục